Xử lý vi phạm công trình thủy lợi Thiếu sự phối hợp đồng bộ
Chủ nhật - 16/08/2015 22:29
Những năm qua, tình trạng vi phạm Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn TP Hà Nội dù có chiều hướng giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp.
Trong khi đó, việc xử lý những vi phạm này vẫn đang cho thấy nhiều bất cập, nhất là ở công tác phối hợp. Còn nhiều vụ tồn đọng Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT), tính đến tháng 6/2015, tổng số vi phạm Pháp lệnh trên địa bàn TP là 15.289 vụ, trong đó số vụ thuộc địa bàn quản lý của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển (ĐTPT) thủy lợi sông Nhuệ lớn nhất, với 8.058 vụ; tiếp đến là Công ty TNHH MTV ĐTPT thủy lợi sông Đáy, với 4.008 vụ. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, số vụ phát sinh là 273 vụ.
Vi phạm xây dựng nhà kiên cố trong hành lang bảo vệ sông Nhuệ. Ảnh: Lâm nguyễn
Ông Nguyễn Vĩnh Liên - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, tình trạng vi phạm, lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi trong những năm gần đây có chiều hướng giảm. Một số địa phương từ đầu năm 2015 đến nay chưa để phát sinh vi phạm như Sóc Sơn, Gia Lâm, Mê Linh. Tuy nhiên, kết quả giải tỏa vi phạm hiện rất hạn chế. Tính đến tháng 6/2015, số vụ vi phạm được xử lý là 1.660 vụ (chỉ đạt 10,8%), còn tồn đọng tới 13.629 vụ. Một trong những vi phạm phổ biến và diễn biến phức tạp nhất là hoạt động xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý, hoặc có xử lý nhưng chưa đạt tiêu chuẩn môi trường. Tính đến hết quý I/2015, trên hệ thống công trình thủy lợi do TP quản lý có 1.452 điểm xả thải công nghiệp, khu đô thị, sản xuất làng nghề - nông nghiệp, bệnh viện và dân sinh. Điều đáng nói, chỉ có 8/1.452 cơ sở sản xuất, bệnh viện được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xả thải. Ông Doãn Văn Kính - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV ĐTPT thủy lợi sông Đáy cho biết, việc xả thải chưa qua xử lý vào hệ thống công trình thủy lợi không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước cấp cho sản xuất, sức khỏe của người dân, mà còn làm giảm tuổi thọ các công trình thủy lợi. Chưa rõ trách nhiệm Số lượng vi phạm Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi tuy có giảm, nhưng việc xử lý vi phạm đến nay vẫn là bài toán khó. Một trong những nguyên nhân được xem là “gốc” của vấn đề này chính là sự phối hợp có phần lỏng lẻo của các đơn vị chức năng liên quan. Tại cuộc họp giao ban mới đây về tình hình xử lý vi phạm đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn TP, đại diện một số quận, huyện như Hà Đông, Phúc Thọ, Gia Lâm đều bày tỏ quan điểm, việc các DN thủy lợi của TP chỉ tổ chức kiểm tra, phát hiện, lập biên bản rồi báo cáo, đề nghị chính quyền địa phương xử lý là chưa làm hết trách nhiệm! Tuy nhiên, ở khía cạnh ngược lại, 2/5 DN thủy lợi cũng phản hồi ý kiến cho rằng, UBND các xã, phường, thị trấn cũng có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy lợi, nên các địa phương cần chủ động hơn trong công tác này (?). Liên quan tới tình trạng xả thải nguồn nước – chất thải không đảm bảo trên hệ thống công trình thủy lợi, ông Nguyễn Quốc Hội – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV ĐTPT thủy lợi sông Nhuệ cho hay, các DN thủy lợi nói chung chỉ có chức năng thống kê, báo cáo về các điểm xả thải; còn vấn đề kiểm tra, đánh giá, xử lý vi phạm thì rất cần sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của Sở TN&MT và Cảnh sát môi trường. Đây sẽ là giải pháp căn cơ nhằm quản lý, xử lý hiệu quả các vi phạm ngay từ đầu nguồn xả thải. Nhằm xử lý triệt để các vi phạm Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT kiến nghị, các DN thủy lợi, quận, huyện, thị xã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc phát hiện sớm các vi phạm, phối hợp chặt chẽ để xử lý ngay từ đầu; theo dõi chặt chẽ, chống tái vi phạm…