Theo báo cáo của Bộ Y tế: Giai đoạn 2017-2019, toàn quốc có 3,3 triệu cơ sở, hộ gia đình ký cam kết và thực hiện sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn. Số cơ sở thanh kiểm tra, bị xử lý hàng năm tăng lên nhiều, thể hiện tính răn đe cao đối với các cơ sở vi phạm.
Hiện cả nước có gần 3.800 sản phẩm đăng ký tiêu chuẩn OCOP. Tuy nhiên, tình hình ATTP vẫn diễn biến phức tạp. Công tác tổ chức thực hiện đảm bảo ATTP còn nhiều hạn chế cần được quan tâm xử lý để giải quyết dứt điểm, như: vấn đề sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, thực phẩm lậu, thực phẩm giả...
Tại Hà Tĩnh, năm 2019, công tác ATTP đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn ở tất cả các nội dung hoạt động. Các đoàn liên ngành đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATTP, tiến hành kiểm tra, giám sát hơn 13.000 lượt cơ sở; phát hiện xử lý vi phạm hành chính gần 760 cơ sở, xử phạt gần 1,3 tỷ đồng, tịch thu tiêu hủy nhiều sản phẩm vi phạm.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Để đảm bảo ATTP, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; làm rõ trách nhiệm của các chủ thể, nhất là trách nhiệm của người sản xuất, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương; chỉ đạo, xử lý hành chính ở mức cao nhất, kể cả xử lý hình sự các vi phạm về ATTP; tăng cường thanh tra, kiểm tra; tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất thay đổi tư duy, nhận thức rõ vấn đề đảm bảo vệ sinh ATTP. Các cơ quan thông tin truyền thông phải vào cuộc tích cực, thông tin đầy đủ, toàn diện về công tác ATTP.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị xem xét góp ý để hoàn thiện thể chế về quản lý an toàn thực phẩm; đẩy mạnh ứng dụng công nghiệp 4.0 trong quản lý thực phẩm theo chuỗi; quy hoạch các vùng sản xuất theo chuỗi, hoàn thiện đề án phát triển nông sản hữu cơ để trình Chính phủ phê duyệt./.
Quỳnh Nga/Hatinhtv.vn