Theo UBND huyện Xuân Lộc, trong 10 năm xây dựng NTM, huyện này đã huy động được trên 23 ngàn tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách chỉ hơn 11%, còn lại là nguồn vốn xã hội (hóa gần 90%).
Đặc biệt, huyện có 91,3% trường đạt chuẩn quốc gia, cao nhất so với các huyện trong tỉnh. Toàn huyện cũng đã thực hiện 1.179 công trình xã hội hóa về giao thông, điện với tổng mức đầu tư gần 798 tỷ đồng.
Đây cũng là những mục tiêu huyện Xuân Lộc luôn đặt lên hàng đầu trong xây dựng NTM. Sản xuất nông nghiệp của huyện đã hình thành các vùng chuyên canh có khả năng xuất khẩu, đạt giá trị cao như vùng sản xuất xoài 1,4 ngàn ha, hồ tiêu 2,2 ngàn ha, 1,4 ngàn ha chôm chôm, 500 ha thanh long ruột đỏ...
Toàn huyện có trên 7 ngàn ha canh tác ứng dụng hệ thống tưới nước, bón phân tự động; hầu hết các xã đều có mô hình ứng dụng công nghệ cao, như nhà lưới, nhà màng, nhà kính. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người trong 10 năm xây dựng NTM không ngừng tăng lên, từ 19 triệu đồng/người vào năm 2010, lên gần gấp 2 lần vào năm 2014 và gần gấp 3 lần vào năm 2018 với mức gần 54,9 triệu đồng/người/năm.
Nhớ lại những tháng ngày lập nghiệp gian khó, ông Lại Hồng Chí, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cây ăn trái đồi Sabi, xã Xuân Bắc, nói: “Đồi Sabi xưa là vùng đất “chết” vì ngay cả những cây dễ trồng như khoai mì, điều... cũng không cho thu hoạch. Nhưng nhờ cần cù, chịu khó tìm tòi và áp dụng KHKT, chúng tôi đã thành công, bắt mảnh đất cằn cho ra những mùa trái ngọt. Vùng đồi này bây giờ chẳng còn một tấc đất bị bỏ hoang mà được phủ xanh bởi quýt, bưởi, xoài... với danh sách những triệu phú, tỷ phú nông dân không ngừng nối dài”.
Bà Dương Thị Phương Thoa, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Bắc nhận xét, đây là xã thuần nông với 4/12 ấp đặc biệt khó khăn vì đất đai cằn cỗi, thiếu nguồn nước sản xuất nên chỉ trồng được những cây cho thu nhập thấp.
Nhưng cùng với sự đầu tư cơ sở hạ tầng và chuyển đổi sản xuất khi xây dựng NTM, những vùng đất bỏ hoang như đồi Sabi đã thành vùng chuyên canh cho thu nhập cao. Các hợp tác xã được thành lập liên kết với nông dân sản xuất sạch với đầu ra ổn định.
Nhân tố quan trọng để thành công trong xây dựng NTM ở Xuân Lộc là người dân đồng thuận, tích cực hưởng ứng chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu.
“NTM mới làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đặc biệt là tình hình an ninh trật tự được bảo đảm một phần nhờ đèn đường chiếu sáng, nhà nào cũng sạch đẹp từ nhà ra ngõ. Ý thức giữ vệ sinh môi trường của người dân rất cao”, ông Nguyễn Văn Bình, người dân ấp 2, xã Xuân Định, khoe.
Hiện tại, Xuân Định đang tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu xây dựng để trở thành xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, xã Suối Cao về cơ bản đã hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí xã NTM kiểu mẫu. Hiện các ngành của huyện Xuân Lộc đã thẩm định và đang hoàn thiện hồ sơ gửi về tỉnh để được công nhận đạt xã NTM kiểu mẫu ngay từ đầu năm 2020.
Không chỉ Xuân Định, người dân các xã khác khi được hỏi cũng đều cho rằng, thời gian qua nhờ phong trào xây dựng NTM mà nông dân có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường; có trách nhiệm hơn với các công trình công cộng.
Đặc biệt những con đường làng vừa sạch vừa đẹp vì được trồng hoa hai bên đường, khắp nơi đều có những tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp, tình hình an ninh trật tự được giữ vững, chất lượng cuộc sống người dân không ngừng được nâng cao.
Với phương châm này, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu tỉnh Đồng Nai với nhiều chỉ tiêu cao hơn hẳn mặt bằng chung cả nước.
Trong đó, Xuân Lộc là một trong 4 huyện được chọn xây dựng mô hình điểm về huyện NTM kiểu mẫu của cả nước vào năm 2025.
Hiện Xuân Lộc đang tập trung mọi nguồn lực triển khai đề án xây dựng huyện NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững, phấn đấu về đích đúng hoặc sớm hơn so với mục tiêu đề ra. Thu nhập bình quân đầu người của Xuân Lộc khi đó sẽ đạt khoảng 83 triệu đồng/người/năm.
Theo đề án, Xuân Lộc sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn. Nâng cấp một số tuyến đường lớn và duy tu, sửa chữa các tuyến đường ngõ xóm. Việc tiếp tục đưa điện lưới đến các vùng sản xuất được quan tâm, địa phương còn khuyến khích người dân làm điện mặt trời tại khu dân cư nông thôn ở xã Xuân Định.
Hiện Xuân Lộc đang thực hiện một số dự án thuỷ lợi, phục vụ tưới tiêu, kêu gọi đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ...
Trong đó, núi Chứa Chan hình thành tour du lịch NTM gắn với các vườn sản xuất, các điểm du lịch trên địa bàn.
Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, để hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu, Xuân Lộc cần tập trung chỉ đạo hoàn thiện các chỉ tiêu NTM kiểu mẫu trên cơ sở những kết quả của NTM nâng cao.
Đồng thời duy trì những kết quả một cách xuyên suốt, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo từng cấp; phân công trách nhiệm cụ thể đến từng bộ phận chuyên môn. Trong đó, địa phương cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng cuộc sống, các vấn đề về môi trường, an ninh trật tự...
Đánh giá về thế mạnh của Xuân Lộc trong xây dựng NTM kiểu mẫu, trong chuyến về làm việc tại Xuân Lộc, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng - Chánh văn phòng Điều phối NTM Trung ương nói: “Tôi thật sự ấn tượng về đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường nông thôn sạch đẹp mà không để nợ xây dựng cơ bản của Xuân Lộc. Điểm nổi bật của địa phương là thu hút được nông dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả. Có nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại, chi phí thấp nhưng rất phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương. Nhiều mô hình hay, sáng tạo.
Hiện Xuân Lộc được chọn xây dựng mô hình điểm huyện NTM kiểu mẫu của cả nước, lấy phát triển sản xuất làm trọng tâm.
Địa phương đã bám sát nội dung đề án để đặt ra những mục tiêu cụ thể về tăng thu nhập người dân, tăng giá trị sản xuất. Để tiếp tục đà phát triển, phấn đấu đưa các nông sản vào chuỗi liên kết, có doanh nghiệp là đầu tàu, phát triển hợp tác xã để tập hợp nông dân, tiếp tục nhân rộng mô hình NTM sinh thái…”.
“Đồng Nai đã chọn huyện Xuân Lộc làm điểm xây dựng NTM với phương châm “Xuân Lộc phải đi từ đất và lao động; lấy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn để đi lên”. Trong đó, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội là khâu đột phá”, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn