Ngấm đòn chính sách
Chiếm đến 23,5% trong cơ cấu xuất khẩu ngành gạo năm 2017, gạo nếp có sản lượng xuất khẩu lớn thứ 3 với 1,358 triệu tấn, xếp sau sản lượng 1,4 triệu tấn của gạo cao cấp và 1,686 triệu tấn của gạo thơm.
Nguy cơ khó duy trì được sản lượng và giá xuất khẩu của gạo nếp đã thấy rõ khi Trung Quốc - thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của gạo Việt Nam đang điều chỉnh chính sách nhập khẩu gạo.
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của gạo Việt Nam |
Theo ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex, cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Tài chính Trung Quốc đã thông báo tăng thuế nhập khẩu các loại gạo lên đến 50%, kể từ ngày 1/7/2018.
Với riêng mặt hàng gạo nếp, thị trường láng giềng càng quan trọng, bởi theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu gần 90% trong tổng số 1,4 triệu tấn gạo nếp sang thị trường này.
Tác động của việc thay đổi chính sách nhập khẩu của Trung Quốc lập tức khiến hàng ngàn tấn gạo nếp của các doanh nghiệp chuẩn bị xuất khẩu vào thị trường này bị đình trệ, buộc doanh nghiệp phải giảm giá, thay vì phải tồn kho.
“Hơn 2 tuần nay, tình hình tiêu thụ gạo nếp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra khá khó khăn, do chính sách thay đổi thuế nhập khẩu của Trung Quốc”, ông Đỗ Hà Nam thông tin.
Đầu ra trầy trật hơn đi kèm với giá giảm. Thông tin từ một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn cho thấy, giá gạo nếp xuất khẩu của Việt Nam giảm từ mức 530 - 540 USD/tấn hồi đầu năm nay xuống dưới mức 450 USD/tấn.
Theo số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 3,6 triệu tấn, trị giá 1,83 tỷ USD, tăng 26,2% về lượng và 44,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, giá xuất khẩu gạo bình quân 6 tháng đầu năm đạt 503 USD/tấn (tăng gần 50 USD/tấn so với cùng kỳ 2017).
6 tháng qua, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất, với 891.688 tấn, tương đương 474,84 triệu USD, nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2017, thì kim ngạch xuất khẩu gạo sang thị trường này đã giảm 27,6% về lượng và 14,8% về kim ngạch.
Tìm thị trường mới và tăng xuất khẩu gạo cao cấp
Sản xuất lúa gạo và xuất khẩu nhắm vào các mặt hàng chất lượng cao đã được triển khai hiệu quả với ngành này trong những năm gần đây. Trong 5,8 triệu tấn gạo được xuất khẩu thành công của năm 2017, gạo cao cấp chiếm đến 1,4 triệu tấn, đạt tỷ trọng gần 25%, tăng mạnh so với 1,058 triệu tấn của năm 2016.
Ở chiều ngược lại, ngành lúa gạo đã giảm xuất khẩu với 2 loại gạo có giá thấp là gạo cấp thấp và cấp trung bình, với sản lượng xuất khẩu giảm lần lượt 37% và 27,5% so với 2016.
Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ Cao Trung An (Cần Thơ) xác nhận, dù chính sách nhập khẩu gạo của Trung Quốc thay đổi, nhưng Công ty không bị ảnh hưởng do sản phẩm xuất khẩu của Cao Trung An đều thuộc phân khúc chất lượng cao, giá xuất khẩu vì thế cũng ít biến động.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Cao Trung An khẳng định, nhu cầu tiêu dùng gạo tại Trung Quốc rất lớn và những nhà xuất khẩu có đầu tư bài bản, đảm bảo các tiêu chuẩn về xuất xứ và cân đối liều lượng không lo không bán được gạo.
“Trung Quốc chính là thị trường rộng lớn để đẩy mạnh xuất khẩu các loại gạo cao cấp, gạo nếp, nhưng thị trường nào cũng có giới hạn nhất định. Hơn nữa, xuất khẩu vào Trung Quốc cần lưu ý về mặt chính sách, họ thường sử dụng thuế và hạn ngạch làm công cụ để điều tiết thị trường”, ông Bình khuyến cáo.
Cùng với tăng sản xuất, xuất khẩu gạo cao cấp, đa dạng hóa thị trường để giảm thiểu phụ thuộc vào 1 thị trường đang được công ty này triển khai tốt. Công ty đang xuất khẩu trực tiếp sang nhiều thị trường lớn Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, Iran, Cuba, Thụy Sỹ, Singapore…
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), Trung Quốc không chỉ thay đổi chính sách nhập khẩu nông sản với riêng Việt Nam mà với tất cả các nước. Ngay cả đối thủ chính của gạo Việt Nam là Thái Lan cũng chỉ có 17 doanh nghiệp được Trung Quốc cấp phép nhập khẩu.
Riêng với Việt Nam, từ đầu năm 2018, chỉ có 22 doanh nghiệp trong tổng số hơn 150 doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu gạo được Trung Quốc cấp phép nhập khẩu sau khi thanh tra thực tế tại Việt Nam. Đến đầu năm 2018, có 3/22 doanh nghiệp trên bị Trung Quốc rút giấy phép do vi phạm quy định của họ về kiểm dịch thực vật.
Bởi vậy, đa dạng thị trường xuất khẩu là bài toán đặt ra cho ngành xuất khẩu lúa gạo nước ta. Nhìn từ mặt hàng gạo nếp càng thấy rõ, dù xuất khẩu với một sản lượng lớn nhưng lại phụ thuộc vào một thị trường, trong khi đây là mặt hàng khó tìm được thị trường thay thế và tiêu thụ nội địa không nhiều… đã bộc lộ nhiều rủi ro cho nông dân và doanh nghiệp.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn