Cần tận dụng những ưu đãi từ nỗ lực mở cửa thị trường
Tại cuộc họp giao ban Bộ Công Thương mới đây, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - cho biết, kim ngạch XK cả nước đang tăng trưởng khá cao. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sau 5 tháng, kim ngạch XK đã đạt gần 79,98 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu 2,5 tỷ USD, tương đương 3,1% kim ngạch XK.
Bộ Công Thương dự báo, tình hình XK thời gian tới sẽ tiếp tục tăng trưởng, bởi theo quy luật hàng năm, kim ngạch XK nông, thủy sản sẽ tăng vào giữa năm và đạt mức cao nhất vào thời điểm cuối năm; các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch XK lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ XK từ giữa quý II… Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định ban hành Chiến lược phát triển thị trường XK gạo và Bộ Công Thương sẽ tổ chức các hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp và địa phương triển khai chiến lược này trong thời gian tới. Chiến lược được kỳ vọng góp phần tăng kim ngạch XK mặt hàng gạo - một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của nước ta. Ông Phan Văn Chinh dự báo, năm 2017, kim ngạch XK cả nước sẽ đạt khoảng 195 tỷ USD, tăng khoảng 10 -11% so với năm 2016, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP của cả nước.
Đánh giá cao những kết quả hoạt động XK đạt được trong thời gian qua, song Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý các đơn vị không nên chủ quan, bởi dù tăng trưởng tốt nhưng không loại trừ khả năng hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu sẽ có nhiều diễn biến bất thường trong 6 tháng cuối năm.
Ví dụ, với thị trường Mỹ, dệt may, da giày, thủy sản… vẫn là những mặt hàng XK chủ lực, nhưng điều quan trọng là phải theo sát diễn biến thị trường, tốc độ tăng trưởng XK cụ thể của từng mặt hàng. Đồng thời dự báo với tốc độ tăng trưởng như vậy, liệu chính sách của Mỹ từ nay đến cuối năm có yếu tố đột biến không, có rào cản nào gây sụt giảm kim ngạch XK các mặt hàng này hay không?.
Hay với Trung Quốc, Bộ trưởng lưu ý, cần xem xét đề ra cơ chế hợp tác nhằm tận dụng những điều kiện thuận lợi, đẩy mạnh XK chính ngạch các mặt hàng mới sang thị trường này như thịt heo. Đồng thời, tăng XK các mặt hàng truyền thống của ta mà Trung Quốc có nhu cầu lớn như thủy sản, trái cây…
Riêng với Chiến lược phát triển thị trường XK gạo, khi triển khai, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để những nỗ lực mở cửa thị trường thực sự phát huy hiệu quả. “Hiện còn tình trạng Bộ Công Thương mở cửa thị trường nhưng hàng hóa, đặc biệt là một số mặt hàng nông sản của ta không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Do đó, cần phối hợp để sản xuất những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, vượt qua rào cản kỹ thuật, tận dụng những ưu đãi từ nỗ lực mở cửa thị trường” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Cần quan tâm đến những thị trường trọng tâm, trọng điểm của Việt Nam trong bối cảnh có nhiều diễn biến mới. Bên cạnh đó, đánh giá đúng tiềm năng tăng trưởng XK của từng mặt hàng và đưa ra những kịch bản cụ thể. Đặc biệt, cần xây dựng phương án nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa XK ở những thị trường lớn. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn