Giá giảm?
Năm 2011, nông nghiệp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Giá trị xuất khẩu nông sản đạt 25 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Các chuyên gia nhận định, một lần nữa, nông nghiệp trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế. Trong năm 2012, nông nghiệp tiếp tục được coi là nhân tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội. Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, do những khó khăn chung của tình hình kinh tế trong nước và thế giới nên năm 2012, ngành nông nghiệp khó có thể đóng góp và giữ được vai trò như năm 2011 trên cả ba mặt sản lượng, thu nhập và tăng trưởng. Dự báo năm 2012, giá của hàng nông sản có xu hướng giảm hoặc đi chậm lại vì đà tăng từ 2009 đến 2010 đã lên khá cao.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn- Ipsard) chia sẻ, năm qua, tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu là tăng trưởng giá. Do vậy, nếu giá năm 2012 không có xu hướng tăng thì câu chuyện đạt kỷ lục sẽ rất khó. Việc tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu chủ yếu ở nhóm càphê, cao su, tiêu và điều, trong đó cao su có khả năng tăng mạnh nhất, còn càphê muốn tăng thì chỉ có cách tăng diện tích. Do đó, vấn đề đặt ra ở đây là làm cách nào chúng ta tăng được giá trị xuất khẩu?
Theo ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Ipsard, đã thành quy luật trong suốt 30 năm qua, cứ 10 năm chúng ta lại gặp 1 cú sốc, cuối năm 1980, 1990 và 2010. Như vậy nếu cuối năm 2020 cú sốc kinh tế lại tiếp tục xảy ra thì tấm đệm nông nghiệp sẽ như thế nào? Chúng ta cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho “kịch bản” này bởi đến năm 2020, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế quan trọng ở Việt Nam.
Tập trung vào “chất”
Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đều chung nhận định, với diễn biến của thị trường thế giới như hiện nay, nếu muốn tăng tiếp giá trị xuất khẩu mà không thay đổi về chất sẽ rất khó. Thực tế là Việt Nam có rất nhiều tiềm năng về nông nghiệp chưa được khai thác hiệu quả. Mặc dù diện tích canh tác đang ngày càng hạn chế nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tăng giá trị trên sản phẩm. Đó chính là lý do mà ngành nông nghiệp đưa ra Đề án tái cơ cấu để nâng cao giá trị gia tăng ở một số khâu. Ông Tuấn cho rằng: “Thứ nhất, cần phải đưa tiến bộ kỹ thuật vào để giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất. Thứ hai, giảm chi phí giao dịch, tức là trong toàn bộ chuỗi giá trị nông sản đó cần phải tạo cơ hội để người sản xuất tăng thu nhập hơn nữa. Thứ ba, tăng giá trị đầu ra là sản phẩm chất lượng tốt, đồng đều, có thương hiệu thông qua sự gắn kết của các hiệp hội”.
Theo ông Sơn, cần phải nâng mức sống cho nông dân và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, thay đổi cách làm nông nghiệp theo hướng hiện đại. Vấn đề đặt ra là, liệu chúng ta có thể đạt mục tiêu xuất khẩu trong năm 2012 là 29 tỷ USD hay không? Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp lên tới 50 tỷ USD, thậm chí là 100 tỷ USD. Vấn đề là chúng ta có thực sự thay đổi kết cấu nền nông nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung hay không?
Ông Steven Jeef, đại diện Ngân hàng Thế giới nhận định, ngành nông nghiệp Việt Nam cần thay đổi chiến lược phát triển mới mang tính bền vững hơn. Phát triển nông nghiệp dựa trên những lợi thế sẵn có của từng địa phương, phù hợp với điều kiện sinh thái. Trong đó cần tập trung phát triển công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị nông sản. Vai trò chính của công nghiệp chế biến trong nền kinh tế công nghiệp hiện đại là làm cho hàng hóa truyền thống trở nên khác biệt hơn, đảm bảo thương mại công bằng, thân thiện với môi trường. “Hiện nay, Việt Nam sản xuất rất nhiều gạo nhưng giá gạo vẫn nằm trong nhóm thấp nhất trên thế giới. Tương tự, giá càphê và một số nông sản khác của Việt Nam cũng còn rất thấp”, ông Steven Jeef bày tỏ.
Thúy Nga
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn