Thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ ngày càng siết chặt yêu cầu kỹ thuật và chất lượng. |
Trong đó, sản lượng tôm sú là 270.000 tấn, tôm chân trắng 480.000 tấn. Cùng với việc nhu cầu thị trường nhích lên, sản lượng tôm và giá tôm trong nước và thế giới được cải thiện, tạo đà cho xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020.
Trong năm 2020, Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu thả nuôi tôm nước lợ là 730 nghìn ha, tăng 10.000 ha so với năm 2019. Những ngày đầu năm 2020 đến nay, giá tôm sú nguyên liệu tại ĐBSCL tăng ở một số kích cỡ do nguồn cung thấp. Dự báo trong thời gian tới, giá tôm nguyên liệu có xu hướng tăng do nguồn cung thấp, nhu cầu cao.
Với thị trường xuất khẩu, thị trường xuất khẩu tôm sang Trung Quốc thời gian qua đã có những tín hiệu sáng do nhu cầu từ thị trường này tăng. Dự báo những tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu nhập khẩu phục vụ dịp Tết Nguyên đán của nước này ở mức cao. Bên cạnh đó, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang các thị trường lớn trong CPTPP là Nhật Bản và Úc cũng tăng trưởng khả quan.
Với thị trường EU, xuất khẩu tôm của Việt Nam thời gian qua bị giảm do nhu cầu thị trường chậm lại và tôm Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với tôm Ecuador. Hiện Ecuador có xu hướng tăng xuất khẩu tôm sang thị trường EU sau khi hiệp định thương mại tự do giữa Ecuador và EU có hiệu lực.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu tôm lớn thứ 2 về trị giá và lớn thứ 3 về lượng của Việt Nam trong 11 tháng năm 2019, đạt 57,85 nghìn tấn, trị giá 599,9 triệu USD, tăng 3,2% về lượng và tăng 1,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ chỉ tăng nhẹ do nhu cầu tại thị trường này chậm lại và tôm Việt Nam bị cạnh tranh bởi tôm Ấn Độ.
Theo Bộ Công thương, trong bối cảnh các nước gia tăng diện tích nuôi tôm, ngành tôm Việt Nam sẽ tiếp tục phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới trong thời gian tới, giá tôm khó có thể phục hồi mạnh. Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu ngày càng thắt chặt các yêu cầu về chất lượng và vấn đề an toàn thực phẩm cũng sẽ tác động đến xuất khẩu thủy sản nói chung của Việt Nam và xuất khẩu tôm nói riêng.
Đặc biệt mới đây, EU đưa ra quy định mới về việc siết chặt chất Ethoxyquin, chất chống oxy hóa giúp bảo quản sản phẩm thức ăn thủy sản. Theo đó, EU quy định từ ngày 31/3/2020 Ethoxyquin sẽ không được sử dụng trong tất cả các loại thức ăn thủy sản. Vì vậy, Các doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam cần lưu ý cập nhật và đáp ứng quy định này để xuất khẩu vào EU không bị trở ngại trong thời gian tới.
Theo Quỳnh Trang/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn