Cùng dự buổi lễ có nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà nội Phạm Quang Nghị; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, đại diện các ban, bộ, ngành trung ương, các đồng chí lão thành cách mạng, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá, huyện Yên Định cùng hàng ngàn người dân địa phương.
Phó Thủ tướng trao bằng chứng nhận huyện nông thôn mới.
Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chủ yếu, quan trọng và có tính chiến lược của Đảng và Nhà nước. Sau hơn 5 năm thực hiện (2010-2015), Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Đến nay, cả nước đã có 21,3% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 23 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Tỉnh Thanh Hoá đã huy động được hơn 27.000 tỷ đồng cho chương trình, trong đó: vốn trực tiếp cho chương trình chiếm 15,52%; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác 46,73%; vốn huy động từ cộng đồng, dân cư 26,26%.
Đến nay, bình quân toàn tỉnh đạt 13,3 tiêu chí/xã (cao hơn so với bình quân chung của cả nước, hiện đạt 13,0 tiêu chí/xã); có 19,7% số xã, 3% số thôn, bản đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Riêng tại huyện Yên Định, đã có 23/27 xã (tương ứng 86% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân của người dân đạt gần 35,5 triệu đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với khi bắt đầu triển khai Chương trình. Ghi nhận những kết quả nêu trên, ngày 5/4/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận huyện Yên Định đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.
Xây dựng nông thôn mới để đưa Thanh Hoá thành tỉnh kiểu mẫu
Phát biểu tại Lễ công bố, Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hoá nói chung và của huyện Yên Định trong xây dựng nông thôn mới.
“Những thành tựu mà Yên Định đạt được trong phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng nông thôn mới đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá, góp phần nâng cao đời sống của người dân và là mô hình tốt để nhiều địa phương học tập” Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa đã đặt mục tiêu đến năm 2020 có 55,8% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, cao hơn mục tiêu chung của cả nước. Theo Phó Thủ tướng, việc đặt ra chỉ tiêu cao thể hiện quyết tâm chính trị của các cấp lãnh đạo nhằm đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.
Để góp phần cùng với cả nước thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị tỉnh Thanh Hóa nói chung và huyện Yên Định nói riêng tiếp tục tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế; phát huy mạnh mẽ những tiềm năng, lợi thế và kết quả đã đạt được, vận động mọi tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương Thanh Hóa “phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu” như lời Bác Hồ đã dạy.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trước hết, cần rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của địa phương nhằm tạo điều kiện huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Vận dụng sáng tạo các tiêu chí nông thôn mới để có cách làm chủ động, phù hợp với điều kiện và yêu cầu của từng địa phương theo nguyên tắc: tập trung hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn trong giai đoạn tiếp theo.
Công tác quy hoạch cũng cần được đặc biệt chú trọng nhằm thúc đẩy và phát triển sản xuất, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
“Tập trung xây dựng mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tạo ra chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, gắn việc xây dựng nông thôn mới với đẩy mạnh phát triển đô thị nhằm tạo thêm nhiều việc làm mới để giảm lao động trong nông nghiệp, là cơ sở để công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị cần tập trung ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; huy động tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền trong huy động cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới cần được chú trọng. Bên cạnh đó, phải tiếp tục phát huy dân chủ ở cơ sở, đảm bảo người dân là trung tâm, là chủ thể của nông thôn mới.
”Mọi việc trong xây dựng nông thôn mới đều do dân bàn bạc, thảo luận và quyết định. Cần đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cán bộ và người dân về ý nghĩa của Chương trình xây dựng nông thôn mới”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đặt ra yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tại cơ sở có tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát thực tiễn, thường xuyên gắn bó với nhân dân. Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng nhằm động viên kịp thời các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Theo: daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn