Chúng tôi có dịp đến một số xã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM. Thay đổi lớn nhất so với những làng quê truyền thống trước kia, đó là hạ tầng nông thôn và vùng sản xuất tập trung, cùng với đó là những nếp nhà mới khang trang ngay sát những thửa ruộng lúa xanh ngát.
Tại xã Khánh Thành, nhận được cơ chế hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, nhân dân các xóm hào hứng ủng hộ, tạo ra hiệu ứng lan tỏa rộng khắp. Các gia đình đã tự nguyện hiến 82.864 m2 đất, dỡ bỏ 1.514 m2 tường bao, 314 m2 nhà, công trình phụ; chặt bỏ hàng nghìn cây cối, hoa màu để mở rộng đường giao thông thôn, xóm, đường trục chính ngoài đồng. Tỉnh hỗ trợ trên 3.547 tấn xi măng; xã hỗ trợ 8.000 m3 đá, 4.500 m3 cát; bà con nhân dân đã hăng hái tham gia góp công và hàng chục tỷ đồng mua vật liệu (cát, đá) để làm đường. Ngoài việc nâng cấp đường giao thông, xã đã vận động nhân dân mắc điện chiếu sáng, đến nay 19/19 xóm đều có điện chiếu sáng; 19/19 xóm có nhà văn hoá và khu vui chơi thể thao; xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống nước sạch nông thôn; kiên cố hoá kênh mương nội đồng…
Cùng với đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, Khánh Thành đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Xã đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi nhanh cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, đưa các giống lúa có chất lượng cao, giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất thâm canh như: LT2, Bắc thơm số 7, DQ11, RT, QR1..., được nông dân đồng tình ủng hộ. Vụ xuân, xã chỉ đạo nông dân gieo cấy 100% diện tích xuân muộn, vụ mùa cấy 100% diện tích lúa mùa sớm, để có quỹ đất cho sản xuất cây vụ đông. Cây vụ đông từ chỗ chiếm 35 - 40% diện tích (1997) đến 2013 đã đạt 80% diện tích đất 2 lúa, vụ đông đang trở thành vụ sản xuất chính cho thu nhập cao.
Xác định công tác dồn điền, đổi thửa là khâu quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, năm 2012 xã đã triển khai hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, giảm từ 1,86 thửa/hộ (2003) đến năm 2012 còn bình quân 1,1 thửa/hộ…
Nhà anh Nguyễn Xuân Dương, xóm 13, xã Khánh Thành có 15 sào ruộng thì anh đã chuyển đổi 7 sào sang trồng rau màu chuyên canh, còn 8 sào ruộng đất tốt anh vẫn trồng lúa năng suất cao. Trên những diện tích chuyển đổi, mùa này, anh đang trồng mướp đắng, mướp Nhật, bí xanh và một số loại cây trồng khác. Anh cho biết, việc chuyển đổi đã đem lại giá trị sản xuất cao hơn gấp 7-8 lần so với trồng lúa. Thuận lợi lớn nhất là thông qua HTX, các hộ rau quả được hợp đồng đầu ra nên yên tâm trồng trọt. Các khâu chăm sóc rau an toàn được hướng dẫn cụ thể, được các chuyên gia chuyển giao kỹ thuật cho nên nông dân ngày nay đỡ vất vả hơn rất nhiều. Anh Dương cho biết, hiện trong xóm, có những hộ gia đình như nhà ông Vinh, ông Ký năm nay cũng gần 70 tuổi nhưng vẫn tham gia lao động sản xuất hiệu quả vì mọi công việc đồng áng được hỗ trợ bởi các loại máy móc, người dân chỉ mất công đi gieo trồng và thu hoạch, khâu tiêu thụ cũng được tiểu thương đến tận ruộng mua đi.
Xóm 13 có 115 hộ, riêng trong tháng 6 năm nay, trung bình mỗi ngày cũng cung cấp cho tiểu thương từ 5 đến 6 tấn hàng rau củ/ngày. Anh Dương cho biết, thu nhập của người dân trong xóm hiện ở mức khá cao, đó là chưa kể một số hộ có các mô hình chăn nuôi lớn, cho nên “nông dân tỷ phú” hiện giờ không còn là từ xa lạ đối với người dân trong xã.
Cũng từ thu nhập cao từ nông nghiệp nên việc đóng góp xây dựng nông thôn mới đối với nhân dân trong xóm 13 không phải là “việc của chính quyền” mà là việc chung của nhân dân. Ai cũng hiểu làm đường để đi lại thuận tiện hơn, đi ra đồng làm ruộng, chở rau, chở lúa cũng dàng hơn nên theo anh Dương “họ không ngại đóng góp”. Dù tính bình quân mỗi hộ đóng 1,7 triệu, nhưng nhiều hộ khá còn tự nguyện hiến nhiều hơn, việc hiến đất, hiến công hoặc giúp nhau xây dựng lại bờ rào và các công trình dỡ bỏ để nhường đất được nhân dân rủ nhau cùng làm giống như một phong trào.
Trên con đường bê tông thẳng tắp từ ngoài đồng dẫn về, hộ nhà chị Minh cùng xóm 13 đang thu hoạch lúa mùa. Chị Minh cho biết, trước kia gặt được 1 sào ruộng phải mất cả 4-5 công thuê thợ, giờ đây gặt máy vừa nhanh mà chi phí chỉ bằng 3 công. Chị nông dân vui tính cho biết, chỉ riêng việc dôi ra 2 công thuê gặt/sào, chị đã có những khoản để ra để đóng góp các việc của làng xóm mà không “lỗ”. “Không còn cảnh gặt tay, gánh vai đi trên những con đường lầy lội là chúng tôi mừng lắm rồi. Chúng tôi thấy rõ là làm đường có lợi nên đóng góp cũng là lẽ đương nhiên” – chị Minh chia sẻ.
Với cách làm lấy nông dân làm chủ, đến nay, không chỉ ở xóm 13 mà trên toàn địa bàn xã Khánh Thành, mọi tiêu chí đã đạt chuẩn quốc gia. Nhân dân trong xã đã có sự ổn định trong sản xuất với những mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả.
Tập trung giải quyết khâu “mấu chốt”
Từ kinh nghiệm của các xã hoàn thành xây dựng NTM, đồng chí Bùi Thiện Thi - Bí thư Huyện ủy Yên Khánh cho biết, dù thực hiện chương trình gì cũng phải xác định trúng đối tượng được thụ hưởng là ai. Xây dựng nông thôn mới thì người dân trong địa bàn nông thôn mà trực tiếp là nông dân phải là người được thụ hưởng. Do đó, Huyện ủy Yên Khánh xác định thực hiện chủ trương của huyện là xây dựng nông thôn mới phải gắn với phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao; nâng cao thu nhập cho người dân. Đó là điểm “mấu chốt” cần tập trung giải quyết.
Đến nay, việc nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp bằng cách chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây con, đưa cây con chất lượng cao, giá trị lớn hơn, thị trường yêu cầu để từng bước đi vào sản xuất đã được các xã triển khai mạnh mẽ. Toàn huyện có 75% diện tích lúa được gieo trồng bằng các giống lúa chất lượng cao, hệ số sử dụng ruộng đất là 2,51 lần; Giá trị sản xuất vụ Đông cao hơn vụ sản xuất chính. Trên địa bàn huyện có hơn 300 trang trại, gia trại phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao; có trên 1/3 diện tích canh tác là cánh đồng mẫu lớn; xây dựng cánh đồng sản xuất giống lúa thuần chất lượng cao đảm bảo chủ động về nguồn giống tốt cho huyện và khu vực.
Phương thức sản xuất trong nông nghiệp cũng từng bước thay đổi. Hết năm 2015, Yên Khánh có trên 80% diện tích gặt bằng máy, 40 - 50% diện tích chuyển từ phương thức gieo cấy sang phương thức gieo xạ; có 80% diện tích đất canh tác chủ động tưới tiêu tiết kiệm được chi phí sản xuất 3-5 triệu đồng/ha canh tác. Vì vậy, giá trị sản xuất năm 2015 đạt 125 triệu đồng/ha canh tác.
Nhờ có sự bàn bạc dân chủ, sự tham gia đóng góp ý kiến của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nên khi phát động làm đường GTNT đã được cán bộ và nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia mặc dù đây là tiêu chí đòi hỏi kinh phí lớn, song khi lòng dân đã thuận thì “việc gì khó có dân lo” và đã trở thành phong trào có sức lan tỏa rộng khắp.
Nhân dân huyện Yên Khánh đã đóng góp 335.700 ngày công, hiến 113.000 m2 đất, góp 69 tỷ đồng mua cát đá, vật liệu xây dựng. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và nhân dân đóng góp, sự đóng góp của các doanh nghiệp, của con em xa quê cùng chung tay xây dựng NTM được khơi dậy mạnh mẽ, tạo ra sự lan tỏa rộng khắp.
Để mọi việc được công khai, minh bạch, UBND huyện Yên Khánh hướng dẫn các xã thành lập Ban giám sát cộng đồng, do nhân dân bầu ra để tổ chức giám sát, ngăn ngừa làm ẩu, làm dối, thi công không đúng quy trình kỹ thuật, quyết toán sai khối lượng. Các cơ quan chuyên môn của UBND huyện mà nòng cốt là Phòng Công thương huyện được giao nhiệm vụ giúp các xã lên kế hoạch, tính toán kỹ thuật và tổ chức nghiệm thu cho từng cấp đường, từng tuyến đường cụ thể. Ban chỉ đạo, Văn phòng điều phối xây dựng NTM đến cơ sở thực sự quyết liệt, xuyên suốt gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả tổ chức thực hiện ở địa phương.
Với tiêu chí khó đối với các địa phương khi xây dựng nông thôn mới là tiêu chí môi trường, trong những năm qua Huyện Yên Khánh đã ra nghị quyết và tập trung đầu tư công tác vệ sinh môi trường. Đến nay, có 100% số xã, thị trấn đã xây dựng xong điểm tập kết rác thải để phân loại, xử lý, chôn lấp rác thải rắn. 100% số xã, thị trấn thành lập đội thu gom rác thải đến tận từng hộ dân. Năm 2015, huyện đã xây dựng thành công mô hình xử lý rác thải bằng lò đốt LOSIHO 500 và đưa vào sử dụng, giải quyết cơ bản chất thải sinh hoạt cho 3 xã. Huyện đã xây dựng đề án đến năm 2020, tất cả các xã (hoặc cụm xã) được lắp đặt lò đốt rác tiên tiến LOSIHO 500.
Theo đồng chí Bùi Thiện Thi, cùng với việc xác định điểm “mấu chốt” nói trên, để gỡ khó cho các địa phương còn gặp khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Khánh đã có chủ trương tất cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Từ lãnh đạo cao nhất huyện ủy, các đồng chí trong thường trực, Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện cũng đã trực tiếp đi đến các xã thăm các mô hình, lắng các ý kiến để đưa ra những chỉ đạo cụ thể, sát sao nhất; qua đó, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới cho các xã trên địa bàn huyện.
Với cách làm như vậy, năm 2013, trong huyện có 3 xã đầu tiên về đích nông thôn mới của tỉnh; năm 2014 thêm 3 xã về đích NTM, năm 2015 thêm 4 xã và đến hết năm 2015, toàn huyện có 10/18 xã được công nhận xã đạt chuẩnnNông thôn mới, là huyện có số xã về đích NTM nhiều nhất tỉnh.
Tuy còn 8 xã đang trong giai đoạn “nước rút” để hoàn thành xây dựng NTM, nhưng về cơ bản, nhiều tiêu chí đã được hoàn thành. Điều quan trọng nhất, theo đồng chí Bí thư Huyện ủy Yên Khánh, đó là những điểm “mấu chốt” đã được xác định để làm khâu đột phá. Tin tưởng và hy vọng Yên Khánh sẽ cán đích trong năm 2017./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn