Những năm qua, nhờ phát triển vùng sản xuất rau an toàn (RAT), thu nhập của một bộ phận người dân xã Yên Sơn (huyện Quốc Oai) đã được cải thiện đáng kể, góp phần đưa địa phương tiến gần hơn tới mục tiêu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Nhờ chuyển đổi sang trồng rau an toàn, thu nhập của nhiều hộ dân xã Yên Sơn đã và đang từng bước được cải thiện. Ảnh: Trọng Tùng |
Cánh đồng ven sông Đáy những ngày này xanh mướt một màu của rau trái. Tranh thủ thời tiết mát mẻ, bà con nông dân tích cực xuống đồng thu hái số rau xanh đến kỳ thu hoạch. Chị Nguyễn Thị Nguyệt, ở đội 5, thôn Quảng Yên cho biết: Phải tranh thủ thu hoạch hết số mướp để chuyển sang trồng vụ mới. Gia đình chị mới tham gia trồng RAT khoảng một năm nay, nhưng hiệu quả bước đầu thấy rõ. Một năm 3 vụ, mỗi sào canh tác, gia đình chị thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Như cách nói của bà con nơi đây là “ăn đứt cây lúa”. Và không chỉ gia đình chị Nguyệt, hàng trăm hộ dân trên địa bàn các thôn thuộc xã Yên Sơn cũng được hưởng lợi từ vùng RAT. Tính đến tháng 7/2016, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Yên Sơn đã đạt xấp xỉ 29 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 – 2020 chỉ còn khoảng 3%. Địa phương đã đạt và cơ bản đạt 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đang nỗ lực phấn đấu để có thể về đích trong năm 2016. |
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Yên Sơn, từ năm 2013, địa phương đã tiến hành chuyển đổi khoảng 21ha đất vùng bãi sang trồng rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh chất đất tương đối phù hợp và nguồn nước được cấp đầy đủ, việc tiêu thụ RAT ở Yên Sơn cũng khá thuận lợi. Hiện, tại Yên Sơn có 5 HTX vừa tham gia phát triển vùng rau, vừa ký hợp đồng thu mua sản phẩm RAT cho bà con. Ngoài ra, bà con cũng có thể dễ dàng mang nông sản tiêu thụ trực tiếp tại các khu chợ.
Nhờ có sự liên kết giữa người dân và các đơn vị tiêu thụ nông sản (trực tiếp là các HTX), bà con nông dân ở Yên Sơn có thể yên tâm sản xuất. Giá trị kinh tế ổn định từ vùng rau góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Dù vậy, việc phát triển vùng RAT Yên Sơn vẫn còn không ít khó khăn. Việc sản xuất của bà con vẫn mang nặng tính tự phát, chưa có được sự đầu tư đáng kể nào từ các sở, ngành. Không chỉ thiếu hệ thống điện, bà con vẫn phải tưới thủ công (thay vì tưới tự động như một số vùng rau có sự đầu tư). Ông Tuấn cho biết thêm, bên cạnh rau màu, 2 HTX nông nghiệp là Gồ và An Phát đang đẩy mạnh phát triển vùng cây ăn quả. Để vùng chuyên canh mới này đạt hiệu quả mong đợi, kiến nghị các sở, ngành TP, Phòng Kinh tế huyện quan tâm, hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ nông sản cho các HTX. Điều này sẽ giúp đa dạng hóa nguồn thu nhập cho người dân vùng ven sông Đáy. Theo: Lâm Nguyễn/kinhtedothi.vn