Để có góc nhìn đa chiều, toàn diện về những tác động của Nghị quyết đến sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Tĩnh, NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Ông Đặng Ngọc Sơn |
Thưa ông, năm 2008, Hà Tĩnh đang ở “tuổi 17”, cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Và lúc bấy giờ, thiết chế hạ tầng, đời sống người dân, đặc biệt là cư dân nông thôn gặp rất nhiều khó khăn?
Cũng có thể nói như vậy. Bởi, giai đoạn đầu mới tái lập tỉnh (tháng 8/1991) nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Tĩnh đang như một mớ hỗn độn. Quy mô sản xuất (SX) đại đa số manh mún, nhỏ lẻ, lao động thủ công là chủ yếu; năng suất, chất lượng, hiệu quả chưa cao; SX chưa gắn với thị trường, đang mang tính tự cung tự cấp, khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hoá thấp; việc chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật hầu như chưa có.
Ở các vùng nông thôn, quy hoạch phát triển thiếu đồng bộ, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém hơn nhiều so với yêu cầu; ngành nghề nông thôn quanh đi quẩn lại chỉ là trồng lúa, nuôi bò, gà, lợn, nuôi cá nước ngọt...; quy mô cũng nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ở mức “dưới trung bình”, thu nhập bình quân người/tháng chỉ đạt 400 ngàn đồng (bằng 63,5% thu nhập bình quân của cả nước; khu vực nông thôn chỉ bằng 57% khu vực thành thị); tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 26,76%, trong đó một số huyện rất cao như: Hương Khê 55,68%; Vũ Quang 43,7%; Kỳ Anh 36,74%,…
Sau khi BCHTƯ khóa X thông qua Nghị quyết 26, một “luồng gió mới” được thổi vào những địa phương nghèo khó, vùng sâu vùng xa, trong đó có Hà Tĩnh. Và mảnh đất “chảo lửa túi mưa” bắt đầu chuyển mình từ đó?
Vâng, trong lúc “nước sôi lửa bỏng” đó, ngày 5/8/2008, BCHTƯ Đảng (khoá X) đã ban hành Nghị quyết 26-NQ/TƯ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nghị quyết đã mở ra cơ hội lớn đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn cả nước nói chung, Hà Tĩnh nói riêng. Theo từng năm, Hà Tĩnh hiện thực hóa Nghị quyết của Trung ương bằng các chủ trương, Nghị quyết, Quyết định mang đặc thù riêng của địa phương như: Chủ trương về “chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ” trong giai đoạn 1991-1995; Quyết định 03/2013, 14/2015, 26/2012, 23/2014... về hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn phát triển SX...
Đây là sự quan tâm, ưu tiên rất lớn của tỉnh cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trong 10 năm qua các chính sách hỗ trợ của tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển |
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn một số lĩnh vực đã thực sự thay đổi của Hà Tĩnh?
Trước hết phải nói đến bước chuyển mình mạnh mẽ từ SX manh mún, nhỏ lẻ sang hàng hóa theo hướng toàn diện, hiện đại. Nếu như trước đây bà con trồng trọt, chăn nuôi theo cảm tính, thích cây nào trồng cây đấy, thích con nào nuôi con đấy thì nay tất cả đều được tính toán kỹ lưỡng, các địa phương tùy vào đặc thù từng vùng xác định sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực để chỉ đạo, định hướng nông dân phát triển. Tỉnh có cây, con chủ lực của tỉnh; huyện, xã có cây, con chủ lực của huyện, xã.
Sau khi xác định được “đường đi nước bước”, thông qua các chính sách kích cầu, các địa phương áp dụng tiến bộ KHKT vào SX, nhất là đưa giống mới, cơ giới hóa vào lĩnh vực trồng trọt như lúa, rau củ quả thực phẩm, chè công nghiệp.
Xóa bỏ trà xuân sớm trong gieo cấy lúa, tăng diện tích trà xuân muộn từ 30% tổng diện tích gieo cấy năm 2008 lên 95,5% năm 2017; tăng diện tích cây ăn quả có múi (cam, bưởi) lên đạt trên 8.600ha. Trong đó, cây cam 6.040ha (tăng hơn 2,4 lần so với năm 2008); diện tích đưa vào thu hoạch trên 3.118ha. Bưởi Phúc Trạch, diện tích đạt 2.632 ha (tăng 162% so với 2008); sản lượng đạt trên 14.400 tấn (tăng 35%).
Tiếp theo là chăn nuôi, chuyển mạnh từ nhỏ lẻ, phân tán sang hình thức gia trại, trang trại công nghiệp quy mô lớn, liên kết với doanh nghiệp. Đặc biệt, trong giai đoạn triển khai chương trình xây dựng NTM (2011 – 2017), Hà Tĩnh tổ chức lại khá thành công mô hình chăn nuôi nông hộ theo hướng hình thành các HTX, tổ hợp tác quy mô vừa và nhỏ, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Theo đó, toàn tỉnh thành lập mới được 3.592 THT và 978 HTX phát triển bền vững.
Đối với lâm nghiệp, chuyển từ SX truyền thống sang phát triển lâm nghiệp xã hội, hình thành các vùng rừng trồng nguyên liệu tập trung, thâm canh theo quy hoạch. Đặc biệt, sau khi thực hiện đề án giao đất, giao rừng, gần 70.000ha đất lâm nghiệp đã được giao cho dân làm chủ, góp phần quan trọng tạo công ăn việc làm cho người dân, giảm áp lực vào rừng, đưa độ che phủ rừng lên đạt 51,3% (năm 2017).
Bên cạnh đó, Hà Tĩnh cũng đã xúc tiến, thu hút xây dựng Nhà máy sản xuất ván ép MDF, HDF công suất 120.000 m3/năm tại Cụm công nghiệp Sơn Thọ, huyện Vũ Quang với tổng mức đầu tư hơn 1.441 tỷ đồng, dự kiến đi vào sản xuất vào đầu năm 2019.
Phát triển thủy sản giai đoạn 2008 – 2015 với tổng sản lượng năm 2015 đạt 48.900 tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng sự cố môi trường biển đầu năm 2016, SX thủy sản gặp nhiều khó khăn, sản lượng giảm 20%; sang năm 2017 từng bước phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Nhưng xây dựng NTM mới thực sự làm điểm sáng của tỉnh, thưa ông?
Phong trào xây dựng NTM của tỉnh đã trở thành “địa chỉ đỏ” cho các địa phương cả nước đến học tập. Thông qua chương trình này, các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang. Đường làng, ngõ xóm bê tông hóa đến tận ngõ, điện đường thắp sáng các làng quê; các CLB văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì tại các nhà văn hóa thôn đã góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm, tạo môi trường sống lành mạnh cho người dân.
Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện tiêu chí 20 (khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu) đã có 1.780/1.802 thôn triển khai xây dựng khu dân cư kiểu mẫu; trên 8.200 vườn xây dựng vườn mẫu, trong đó 2.300 vườn đã đạt chuẩn.
Phong trào xây dựng NTM được Hà Tĩnh triển khai thành công |
So với “vườn xưa”, vườn mẫu NTM bây giờ được xây dựng và phát triển theo quy hoạch; xác định rõ sản phẩm chủ lực, tạo sản phẩm hàng hóa, tiến tới hình thành mỗi làng một sản phẩm; ứng dụng nhanh KH- CN vào sản xuất; doanh thu từ kinh tế vườn gấp 7 lần so với trước đây.
Hiện toàn tỉnh đã có trên 50% số xã đạt chuẩn NTM; đời sống vật chất, tinh thần cải thiện với mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng/năm, tăng gấp 3,2 lần so với năm 2008 (vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra đến 2020 là 20 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10% theo chuẩn nghèo đa chiều.
Mặt tích cực đã rõ nhưng nhìn lại 10 năm đã qua, Hà Tĩnh rút ra được bài học kinh nghiệm gì, thưa ông?
Từ việc triển khai Nghị quyết 26, tôi cho rằng khi thực hiện một chủ trương, Nghị quyết mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phải quán triệt sâu sắc nội dung chủ trương, Nghị quyết đó; làm rõ trách nhiệm cụ thể của các tổ chức trong triển khai thực hiện; tuyên truyền, vận động, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ ý nghĩa chính trị, kinh tế, nhân văn của Nghị quyết, từ đó phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
Ban hành đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM đủ mạnh. Chính sách cần phải tạo ra sự đột phá, vừa khuyến khích phát triển trên diện rộng, vừa sản xuất hàng hoá tập trung theo hướng hiện đại. Phải biết khơi dậy, nuôi dưỡng, phát triển nguồn lực trong dân, lấy tinh thần thi đua làm phương châm chủ đạo trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Công khai, dân chủ, lấy dân làm gốc, trao quyền tự chủ tối đa cho người dân để họ thực sự là chủ thể chính trong quá trình thực hiện. Đồng thời, tập trung cao cho phát triển SX, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng miền; tạo môi trường thuận lợi thu hút DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thực hiện vai trò “đầu kéo”...
Xin cảm ơn ông!
Vậy mục tiêu phát triển Hà Tĩnh đặt ra trong giai đoạn tới, như thế nào? Ngoài tiếp tục tuyên truyền, tập trung quán triệt đầy đủ, sâu sắc những nội dung cơ bản Nghị quyết 26-NQ/TW và Nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy đến các tầng lớp nhân dân, Hà Tĩnh sẽ rà soát các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện, bổ sung, điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết và Chương trình MTQG xây dựng NTM, phù hợp với yêu cầu ngày càng cao, đảm bảo tính thiết thực, bền vững. Trước mắt, tổ chức rà soát, tổng kết đánh giá toàn diện 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 và sơ kết 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn vừa qua và xây dựng chiến lược, định hướng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn những năm tiếp theo. Hoàn thành rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2018 và chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn