Nếu không tính đợt dịch tai xanh trên đàn lợn cách đây mấy năm, có lẽ chưa bao giờ người chăn nuôi lợn gặp cảnh bi đát như hiện nay. Không phải chứng kiến cảnh từng con lợn béo núc níc bị đem đi tiêu hủy nhưng giá lợn hơi liên tục tụt dốc thời gian qua cũng khiến hàng nghìn hộ chăn nuôi điêu đứng.
Chúng tôi đến “thủ phủ“ chăn nuôi lợn Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) và cảm nhận vùng quê này như đang bị một cơn bão lớn quét qua. Cơn bão này có thể gọi tên là ‘bão rớt giá”. Tiếp chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình Đặng Quốc Hải, rầu rĩ: “Chăn nuôi lợn là nghề truyền thống chủ lực của xã tôi. Tất cả 12/12 xóm đều tập trung nuôi; trong đó, số hộ nuôi mỗi năm trên trăm con có đến hàng trăm hộ. Nhiều gia đình thoát khỏi đói nghèo, trở nên giàu có cũng nhờ nghề nuôi lợn. Từ trước đến nay, nhà ai mỗi năm xuất chuồng được trên dăm chục con lợn là nhà ấy trở nên khá giả. Tuy nhiên, bây giờ thì lại khác. Người nuôi lợn đang lỗ nặng vì lợn rớt giá ghê quá. Càng nuôi nhiều càng lỗ nhiều. Thật tội! Tuy nhiên, vì là nghề chủ lực nên người dân chúng tôi vẫn cố cầm cự, mong tình hình sẽ thay đổi. Tổng đàn lợn của xã trước đây luôn duy trì ổn định khoảng 7.000 con, nay giảm gần 1/3, chỉ còn ở mức dưới 5.000 con…".
Nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng vì lợn rớt giá |
Chị Hạnh, một hộ chăn nuôi lợn ở Cẩm Bình nói: “Chỉ một thông tin đâu đó trong miền Nam có sử dụng chất tạo nạc mà khiến dân chúng tôi điêu đứng. Chưa bao giờ giá lợn hơi lại tụt giảm thê thảm đến thế này. Chú tính, cách đây chừng hai tháng, khi chưa có thông tin ấy, giá lợn hơi trung bình ở mức 55 nghìn đồng/kg nhưng từ đó đến nay, cứ mỗi ngày mỗi xuống, nay chỉ còn 42-45 nghìn đồng/kg. Trung bình chúng tôi nuôi ở mức 80 kg/con là xuất chuồng, trong khi thức ăn không giảm, các loại chi phí liên quan không giảm mà giá lợn hơi tụt giảm khoảng 10 nghìn đồng/kg, tính ra, mỗi con lợn mất đứt 800 ngàn đồng, hỏi sao mà không lỗ. Chẳng giấu gì chú, hiện nay, trung bình mỗi con lợn xuất chuồng, chúng tôi chịu lỗ khảng 150-200 ngàn đồng nhưng vẫn phải cố cầm hơi, không thể bỏ được. Thực tế chỉ một vài cơ sở trong Nam sử dụng chất tạo nạc còn ở tỉnh ta và hầu hết các tỉnh khác đều không có nên chúng tôi tin rằng, rồi đây giá lợn lại tăng trở lại bình thường”.
Tại xã Kỳ Liên (Kỳ Anh), chị Trương Thị Nguyệt, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm Hoành Nam bắt đầu câu chuyện về chăn nghề chăn nuôi lợn của xóm chị như thế này: “Tôi là chi hội trưởng phụ nữ, mấy năm liền đều được cấp trên khen thưởng, trong đó có thành tích luôn giúp đỡ chị em về kỹ thuật, cho nợ tiền lợn giống, thức ăn giúp chị em phát triển nghề nuôi lợn. Nghề này một thời là nghề chính của chúng tôi; nhiều chị em thoát nghèo chính nhờ nó. Nhưng, bây giờ, nuôi lợn may lắm thì hòa vốn, còn không thì lỗ. Xóm tôi hiện tại đã có hơn 50% hộ bỏ chuồng không vì nuôi chừng nào lỗ chừng ấy. Khi có thông tin về có chất tạo nạc thì thấy báo chí, nhà chức trách nói ầm cả lên; nay hầu như không phát hiện ra nữa thì lại không thấy ai nói gì cả, hỏi sao mà dân hiểu được. Tôi nghĩ, trách nhiệm này là của các ngành chức năng. Họ phải tuyên truyền mạnh về việc không phát hiện ra chất tạo nạc ở tỉnh ta và các tỉnh trong khu vực để người dân quay lại với thịt lợn chứ cứ im ỉm thế này thì người chăn nuôi chết thật chứ chẳng chơi”.
Chàng thanh niên Phạm Đình Hương ở thôn Khe Chẹt, xã Sơn Kim 2 (Hương Sơn) là một trong 7 điển hình của tỉnh ta vừa vinh dự được nhận giải thưởng Lương Đình Của, nhờ thành tích nuôi lợn. Người thanh niên làm kinh tế gỏi, tính tình sôi nổi ngày nào, giờ đây trở nên trầm lặng lạ thường. Hương bảo rằng: “Nói thật với anh, làm ăn lớn thì phải vay mượn nhiều. Và, với giá lợn như bây giờ, càng nuôi càng lỗ, nên lúc nào cũng sống trong cảnh âu lo vì lỗ. Anh tính, giá lợn hơi siêu nạc của em từ chỗ 57 ngàn/kg, nay chỉ còn 46 ngàn/kg. Em thường nuôi đạt gần 1 tạ/ con mới xuất chuồng, tính ra, mỗi con lỗ mất khoảng gần 1 triệu. Giá lợn giống cũng tho đó mà hạ xuống, từ 140 ngàn đồng/kg, xuống còn 90 ngàn đông/kg. Em hiện có 100 lợn thương phẩm và 12 lợn nái. Tính sơ sơ, mỗi lứa lợn giống (của 12 nái), em lỗ mất 60 triệu. Sắp tới em xuất chuồng 70 con lợn thương phẩm, lỗ thêm khoảng 70 triệu nữa. Xóm em có 70 gia đình, trước đây hầu như nhà nào cũng nuôi vài ba con nhưng nay thì bỏ hết rồi. Trừ em và hộ bà Ngân ra, cả xóm này hiện chỉ có khoảng 30 con lợn; khoảng 70% hộ đã bỏ nghề. Nhà nước không có cách gì giải quyết, cứ để mãi đà này thì ngành chăn nuôi nguy to”.
Trao đổi với chúng tôi xung quanh việc có hay không chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn ở tỉnh ta, ông Nguyễn Cự Dũng - Phó Giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT cho biết: là lực lượng QLTT đã ra quân kiểm tra khắp các đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc nhưng không hề phát hiện trường hợp nào.
Ông Phan Văn Dũng - Trưởng Phòng quản lý chất lượng Nông – Lâm – thủy sản, Sở NN&PTNT cũng cho biết đoàn lien ngành đã lấy nhiều mẫu gửi đi xét nghiệm nhưng không hề phát hiện trường hợp nào có sử dụng chất tạo nạc.
Chỉ một thông tin đâu đó mà người chăn nuôi tỉnh ta đã bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cấp ngành liên quan cần có giải pháp để tuyên truyền cho người dân hiểu rõ hơn về vấn đề này, để vực dậy nghề chăn nuôi lợn, bởi nghề này là một nghề đưa lại thu nhập khá, giải quyết tốt việc làm cho lao động nông thôn, nhất là trong chiến lược xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Chính Thu
Báo Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn