Theo báo cáo, đến nay, trên địa bàn đã kiện toàn được 188 ban chỉ đạo từ tỉnh đến xã và các chủ rừng; thành lập được 332 tổ, đội chữa cháy rừng các cấp với 6.280 người tham gia; xây dựng phương án tổ chức, chỉ huy và điều động lực lượng, phương tiện cấp tỉnh khi có cháy lớn với 500 người; tổ chức ký 75.694 bản cam kết tại 155 trường học và 289 thôn, xóm gần rừng; xây dựng, tu sửa hơn 253 km đường băng cản lửa, 177 biển tường, 809 biển báo, xử lý vật liệu cháy 2.100 ha, mua sắm, bảo dưởng 114 máy thổi...
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn: Tỉnh sẽ hỗ trợ giống để chuyển đổi cây trồng chống hạn và quyết định trích ngân sách tỉnh 1 tỷ đồng, ngân sách mỗi huyện 500 triệu đồng để mua máy thổi phục vụ PCCCR |
Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài, nhiều đối tượng chưa chấp hành nghiêm chỉnh các quy định vệ PCCCR, một số cơ quan chức năng và chủ rừng chưa làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao nên từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xảy ra 3 vụ cháy rừng và 37 điểm phát lửa, gây thiệt hại 29,3 ha rừng.
Để chủ động trong công tác PCCCR, Văn phòng Ban Chỉ đạo về kế hoạch Bảo vệ &PCCCR tỉnh giai đoạn 2011 – 2020 bổ sung một số giải pháp cho thời gian tới, trong đó tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định về PCCCR và nghiêm cấm xử lý thực bì bằng lửa trong những ngày nắng to. Kiểm tra, rà soát lại phương án PCCCR để có sự chỉ đạo, bổ cứu kịp thời. Các lực lượng có liên quan phải đảm bảo trực 100% quân số cho đến hết mùa nóng và phải thường trực 24/24h trong các ngày nắng nóng. Tăng cường hoạt động của ban chỉ đạo các cấp trong các vấn đề có liên quan, sẵn sàng chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ, nhất là ở những địa bàn trọng yếu…
Liên quan đến công tác phòng chống hạn, theo báo cáo của ngành NN&PTNT, các hồ chứa lớn hiện đang có mực nước khoảng từ 53 – 74% dung tích thiết kế, các hồ chứa vừa và nhỏ còn từ 30 – 50%, cá biệt có những nơi chỉ còn 25 – 35%. Hiện có 35/381 trạm bơm nhỏ ngừng hoạt động do không đủ nguồn nước để bơm tưới, một số trạm bơm lấy nước trực tiếp trên sông Lam không thể hoạt động do nguồn nước bị nhiễm mặn cao hơn 1,28 ‰. Do hạn hán nên đến ngày 8/6, toàn tỉnh mới chỉ gieo cấy được 25.777 ha/41.760 ha (đạt 61,7% kế hoạch), bắc được 535 ha mạ. Tuy nhiên, qua kiểm tra và báo cáo của các địa phương, hiện có 950 ha/41.760 ha không có nước để gieo cấy, chủ yếu tập trung ở Hương Sơn, Hương Khê, Thạch Hà, Vũ Quang...
Ngoài các giải pháp cụ thể cho các vùng trọng điểm, ngành NN&PTNT đã bổ sung các giải pháp chống hạn như: Thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, công điện và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai công tác phòng chống hạn và xâm nhập mặn; tăng cường công tác quản lý,vận hành, điều tiết, phân phối nước mặt ruộng, tổ chức ép nước về cuối kênh; kiểm tra, đánh giá và tổ chức nạo vét các tuyến kênh dẫn nước nhằm tạo nguồn nước cho các trạm bơm gắn với việc vận hành điều tiết nguồn nước trong các hồ đập hợp lý, tiết kiệm; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi đang nâng cấp, sửa chữa; những nơi có nguồn nước bị ảnh hưởng thủy triều phải kiểm tra nồng độ mặn trước khi bơm lên ruộng...
Theo diện Sở NN&PTNT, trước mắt để chống hạn, đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí khoảng 2,44 tỷ đồng để nạo vét các trục dẫn vào trạm bơm, thay thế ống hút, hỗ trợ mua máy bơm... |
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng, do công tác dự báo trong thời gian qua chưa thực sự chuẩn xác, thời gian nắng nóng còn dài, thời tiết diễn biến phức tạp, nhiều hồ đập trên địa bàn đã cạn nên các địa phương cần phải lường trước tình hình ở mức khó khăn nhất để có biện pháp ứng phó hiệu quả.
Các cấp, ngành phải chủ động phòng chống hạn hán ở mức gay gắt nhất, bằng mọi biện pháp phải đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân. Trong sản xuất phải chủ động bố trí cây trồng vật nuôi phù hợp, tiết kiệm tối đa nguồn nước, lựa chọn cây trồng phù hợp trên diện tích đã bỏ lúa, kiên quyết không để bỏ hoang. Riêng với cây lúa, phải chủ động nước để đảm bảo cho các giai đoạn sinh trưởng của cây trồng. Các địa phương phải khảo sát các vùng trọng điểm để hạn chế khô hạn, chủ động nguồn nước, vùng nhiều nước phải tưới tiết kiệm để tương trợ lẫn nhau. Riêng các huyện miền núi nên sớm chuyển đổi sản xuất. Để chống hạn, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đều phải chủ động kinh phí, trích ngân sách dự phòng để thực hiện...
Liên quan đến công tác PCCCR, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lực lượng chức năng và chủ rừng phải quản lý chặt chẽ người vào rừng, tuyệt đối không cho xử lý thực bì. Khi phát hiện điểm phát lửa phải chủ động tổ chức triển khai dập lửa ngay tại chỗ và báo cáo ngay lên cấp trên để có sự hỗ trợ, xử lý, không để bị động, che dấu cháy rừng. Các lực lượng hữu quan cần phối phối để điều tra làm rõ nguyên nhân, số diện tích thiệt hại, đối tượng gây cháy để xử lý nghiêm minh và rút ra các bài học quan trọng...
Theo đại diện Trung tâm Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, trong những ngày tới trên địa bàn tỉnh ta thời tiết vẫn còn diễn ra những đợt nắng nóng với nhiệt độ cao, thời gian nắng nóng kéo dài... |
Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, các địa phương, sở, ngành phải thực hiện nghiêm các chỉ thị của Trung ương, tỉnh, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cảnh báo tình hình, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với Báo Hà Tĩnh, Đài PT-TH tỉnh, các đài truyền thanh địa phương và hệ thống loa phát thanh ở cơ sở.
Trong tổ chức thực hiện, xã phải chủ động hoàn toàn và phải thành lập ban chỉ đạo về chống hạn và PCCCR. Các địa phương phải hạn chế tối đa các cuộc họp không cần thiết để tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chống hạn và PCCCR. Đối với cấp tỉnh, các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan phải tập trung điều động cán bộ xuống cơ sở nắm bắt diễn biến tình hình và triển khai thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ của mình...
Tiến Dũng
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn