Sau những tháng ngày háo hức trông đợi, vụ đông xuân 2011-2012 đã chạm đích thành công trong sự “vỡ òa” vui sướng của bà con nông dân và cả hệ thống chính trị huyện Can Lộc. Thành công của cuộc cách mạng chuyển đổi cơ cấu mùa vụ đã đưa Can Lộc trở thành tâm điểm của niềm tin từ những “công bộc” biết suy tư, trăn trở và hành động vì cuộc sống của nhân dân.
Gieo quyết tâm và ý chí đột phá
Trở lại với huyện lúa Can Lộc trong những ngày tháng 5 này, khác hẳn với tâm trạng khấp khởi xen lẫn âu lo những ngày đầu vụ, chúng tôi mang theo một niềm phấn chấn, lạc quan, vì trên chính mảnh đất xô viết anh hùng năm xưa, một cuộc cách mạng “xanh” với đầy đủ ý nghĩa của nó lại vừa được phát động và thực hiện thành công khá trọn vẹn.
Lúa giống mới trên cánh đồng mẫu của xã Tùng Lộc, ước đạt trên 65 tạ/ha |
Vụ đông xuân 2011-2012 là vụ sản xuất đầu tiên sau cuộc cách mạng chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và phương châm “nói không với giống lúa cũ IR 1820” trên đồng đất Can Lộc. Những thảm lúa mới cận kề mùa gặt trải dài mênh mông; những hạt lúa nặng trĩu, thoang thoảng hương trong nắng sớm không chỉ đọng đầy mưa, gió, nắng… mà còn được kết tinh từ những trăn trở, suy tư, sự đấu tranh giữa cái mới và cái cũ với không ít khó khăn, thử thách.
Cuộc cách mạng chuyển đổi cơ cấu mùa vụ ở Can Lộc cũng không ít những cam go cản đường: Thiên tai khắc nghiệt triền miên hoành hành; nhận thức chưa đầy đủ của bà con nông dân; lối tư duy ấu trĩ của nhiều cán bộ, đảng viên về đổi thay nếp cũ; đặc biệt phải kể đến những kẻ cơ hội, “tát nước theo mưa” làm cho tình hình rối ren để trục lợi… Tuy nhiên, vượt lên tất cả với sự kiên trì, sáng tạo, quyết tâm bám sát con đường đã chọn vì cuộc sống của nhân dân, cái mới, cái đúng cuối cùng đã khuất phục cái cũ, cái hạn chế vốn đã tồn tại bao năm và ăn sâu vào tiềm thức của người nông dân tưởng chùng không gỡ ra được.
Trước yêu cầu xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa để người nông dân có thể sống được trên mảnh ruộng của mình, chủ trương chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, tận bỏ giống lúa cũ kém chất lượng là đòi hỏi khách quan, đồng thời phải thực hiện triệt để.
Định hướng chỉ đạo là: nhanh chóng, kiên quyết và thận trọng; tinh thần chỉ đạo là: chủ trương và hành động là một, đã được Can Lộc đề ra. Phải làm và làm quyết liệt là phương châm chỉ đạo xuyên suốt cả quá trình thực hiện. Rất nhiều câu chuyện buồn vui đã được lưu giữ như những dấu ấn của quá trình thực hiện chuyển đổi.
Có thể nhiều người sẽ không quên được vụ xung đột trên cánh đồng xã Yên Lộc giữa cán bộ chính quyền và người nông dân do bất đồng quan điểm khi tư tưởng mới chưa được khơi thông. Hay ở vựa lúa Kim Lộc, hàng chục ta thóc giống 1820 đã được ngâm ủ, nảy mầm, nhưng với sự kiên trì vận động vừa mềm dẻo, vừa có tính thuyết phục, kể cả việc cam đoan cung ứng giống mới, chất lượng cao để thay thế; từ nhận thức đến hành động, các hộ dân đã đồng loạt vớt thóc giống 1820 ra và thay vào đó các loại giống mới.
Còn Khánh Lộc, với sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị, khi nhận chủ trương của huyện, xã không mất nhiều thời gian họp bàn, đã khá dễ dàng thống nhất cao về tư tưởng.
Cánh đồng xã Khánh Lộc đã vào vụ gặt rộ |
Nhưng có lẽ đỉnh điểm của khó khăn mà đích thân đồng chí Chủ tịch UBND huyện phải đương đầu và xử lý, đó là việc chỉ đạo hủy bỏ và thay thế hàng chục ha mạ 1820 khi đã xanh lá, đâm cành bằng giống mới ở xã Tùng Lộc. Quả là là một cuộc thi gan, đấu trí cực kỳ khó khăn giữa một bên là sự thành bại của chủ trương, một bên là lòng dân. Và rồi, cái đúng đã thắng “áp đảo” khi có được niềm tin của nhân dân.
Gặt mùa vàng - ấm nghĩa Đảng, tình dân
Đến nay, khi tất cả các cánh đồng của Can Lộc đã bắt đầu vào vụ gặt, người nông dân đã hoàn toàn có thể chạm tay vào thành quả của những tháng ngày vất vả thực hiện chủ trương mới, thì niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng càng được thể hiện chắc chắn trong tâm tư của mỗi người dân.
Chủ tịch UBND huyện Bùi Huy Tam khẳng định, thắng lợi của cuộc cách mạng chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và tận bỏ giống cũ IR1820 ở huyện Can Lộc là một thắng lợi sâu rộng trên nhiều phương diện.
Thứ nhất, mặc dù thời tiết đầu vụ khắc nghiệt, nông dân phải tiến hành gieo đi cấy lại nhiều lần, nhưng tổng diện tích lúa đông xuân của huyện Can Lộc vẫn đạt 7.900 ha, tăng 8,4%, năng suất bình quân đạt57- 58 tạ/ha, tăng gần 10% và sản lượng đạt khoảng 50 ngàn tấn, tăng 20%; tiến độ sản xuất cũng đạt sớm nhất tỉnh. Đến nay, toàn huyện đã thu hoạch được xấp xỉ 30 % diện tích, trong đó các xã thu hoạch sớm nhất như: Khánh Lộc (70%), Kim Lộc (50%).
Lãnh đạo xã Kim Lộc họp thôn đánh giá năng suất lúa đông xuân |
Thứ hai là, thắng lợi của cuộc vận động bỏ trà xuân sớm. Từ xấp xỉ 40% diện tích ở các vụ trước đã giảm xuống còn trên dưới 2%. Trà xuân muộn cũng vượt lên trên trà xuân trung và chiếm tới 60%. Điển hình như xã Tùng Lộc, với tổng diện tích sản xuất 330 ha, vụ đông xuân này, trà xuân sớm và giống 1820 được bỏ hẳn, trà xuân trung cũng chiếm 12%, còn lại 88% diện tích đã được dành cho trà xuân muộn.
Thứ ba là, thắng lợi của sự chiếm ưu thế của tập đoàn giống năng suất, chất lượng cao (TH3-3, TH 3-4, QR1, QR2, BTE1, Syn6 với diện tích sản xuất tăng gấp 7 lần so với các vụ đông xuân trước.
Thứ tư là, thắng lợi của việc xây dựng các cánh đồng mẫu (1 trà, 1 giống, 1 thời gian xuống giống và thu hoạch).
Đặc biệt, thắng lợi to lớn và mang tính bước ngoặt, đó là đã nâng cao được nhận thức và củng cố được niềm tin vững chắc trong nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ông Phan Đình Thản ở xóm Minh Tiến bày tỏ: “Khi phải bỏ đi loại giống 1820 thân thuộc, đã được gieo xuống đồng để thay thế giống mới theo chủ trương của xã, quả thật tôi rất tiếc và lo. Nhưng bây giờ có kết quả như thế này, chúng tôi không còn băn khoăn gì nữa. Rõ ràng, chỉ có dựa vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước thì sản xuất mới đạt được kết quả cao thôi”.
Còn bà Nguyễn Thị Tuyên- một giáo dân ở xóm Trại Tiểu (Mỹ Lộc) - nơi còn có diện tích lúa IR1820, thừa nhận: “ Lúa giống mới thu hoạch cả rồi nhưng do gia đình mình bảo thủ làm giống cũ nên chậm chân rồi. Giờ mới biết sự chỉ đạo chuyển giống mới là đúng và mùa sau cứ tin tưởng mà làm theo”
Bước tiếp hành trình nâng cao thu nhập của người nông dân trên ruộng lúa, Can Lộc đang chỉ đạo quyết liệt thực hiện 2 mục tiêu quan trọng: Thứ nhất là từng bước bỏ trà xuân trung và sản xuất 100% diện tích trà xuân muộn. Thứ hai là thực hiện cơ cấu lại bộ giống theo hướng tinh gọn, chất lượng và hiệu quả cao.
Theo đó, mỗi xã chỉ cơ cấu trong vòng 3 loại giống. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch đồng ruộng theo mô hình cánh đồng mẫu nhằm đưa nền nông nghiệp của huyện sớm đạt đến một trình độ cao và bền vững.
Theo hatinhonline
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn