Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác của Trung ương nghe thuyết trình hạng mục lò cao số 1 Dự án Nhiệt điện Formosa (tháng 2/2015). |
Dấu ấn dễ nhận thấy nhất trong tổng thể bức tranh chung KT-XH ở Hà Tĩnh là kinh tế phát triển toàn diện, liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 19,58% (chỉ tiêu đại hội trên 14%); các năm cuối nhiệm kỳ, tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng với 26% (năm 2014) và dự kiến 28% (năm 2015). Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 44 triệu đồng, vượt 9 triệu đồng so với chỉ tiêu Đại hội lần thứ XVII đề ra.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, tỉnh Hà Tĩnh và chủ đầu tư cắt băng khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (tháng 9/2015). |
Trên cơ sở định hướng mà cấp ủy đã tập trung bàn bạc, xây dựng, trong nhiệm kỳ, công tác quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 với 8 cụm ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, quy hoạch các ngành, lĩnh vực, địa phương và quy hoạch sản phẩm hàng hóa chủ lực cơ bản được xây dựng. Từ đây, tạo động lực phát triển KT-XH từng vùng, từng địa phương, đồng thời, thúc đẩy quá trình xúc tiến đầu tư từ các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ sở để huy động đa dạng các nguồn lực ưu tiên cho đầu tư phát triển; giai đoạn 2011-2015 đạt 287.000 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với giai đoạn 2006-2010.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp xúc cử tri huyện Lộc Hà (tháng 4/2014). |
Với quan điểm, tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, tỉnh nhà đã xây dựng nhiều giải pháp phát triển CN-TTCN – dịch vụ. Cùng với công tác cải cách hành chính được thực hiện quyết liệt, cấp ủy, chính quyền đã tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, xúc tiến đầu tư, đồng hành cùng DN vì sự phát triển chung của tỉnh cũng như sự thịnh vượng của DN. Kết quả của chủ trương này là các loại hình DN và HTX phát triển nhanh, bình quân mỗi năm thành lập mới 450 DN; đến cuối năm 2015, dự kiến toàn tỉnh có trên 5.000 DN và 950 HTX.
Toàn tỉnh có 2 khu kinh tế, 19 khu, cụm CN-TTCN, thu hút 426 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng số vốn đăng ký trên 40.000 tỷ đồng và 20 tỷ USD. Quá trình đi vào hoạt động, các khu kinh tế đã và đang trở thành những vùng động lực cho phát triển, kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ nói riêng và nhiều ngành, lĩnh vực khác nói chung. Nhờ tập trung và có các giải pháp phù hợp để thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp phát triển nên giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2011- 2015 tăng bình quân 38,3% (chỉ tiêu đại hội 35%). Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng giá trị công nghiệp chế biến, chế tạo từ 66,43% (năm 2010) lên 69,69%. Ngành dịch vụ theo đó cũng có tốc độ tăng trưởng đáng kể, bình quân đạt trên 15%/năm; doanh thu dịch vụ xã hội bình quân tăng trên 23%/năm.
Nhà máy Nhiệt điện Formosa ở KKT Vũng Áng |
Song song với lĩnh vực CN-TTCN, tỉnh ta đã quan tâm và có các giải pháp đồng bộ để phát triển nông nghiệp toàn diện, trọng tâm là thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Triển khai quyết liệt chủ trương liên kết hóa, mở rộng sự tham gia của các chủ thể trong xã hội, cùng với đó là ban hành nhiều cơ chế, chính sách; chủ động thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, vì thế, Hà Tĩnh đã trở thành điểm sáng của cả nước trong xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn, vai trò và lợi ích của người dân, sự điều tiết, quản lý của Nhà nước và sự tham gia của DN được thể hiện hài hòa. Tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản bình quân đạt 5,46%/năm; xây dựng và phát triển hơn 8.000 mô hình SXKD hiệu quả. Dự kiến, đến cuối năm 2015, có 52 xã đạt chuẩn nông thôn mới và không còn xã dưới 8 tiêu chí.
Mô hình NTTS ở xã Thạch Bàn (Thạch Hà) cho hiệu quả kinh tế cao |
Với quan điểm phát triển toàn diện và chú trọng các điểm nhấn tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách vì thế liên tục tăng. Nếu như cách đây 5 năm, Hà Tĩnh thuộc trong nhóm các tỉnh thu ngân sách dưới 2.000 tỷ đồng thì riêng năm 2015 dự kiến đạt trên 15.000 tỷ đồng, gấp 7,6 lần so với năm 2010, trong đó, thu nội địa đạt 7.500 tỷ đồng (chỉ tiêu đại hội 5.000 tỷ đồng). Các chính sách, giải pháp về tài chính, tiền tệ, tín dụng, ngân hàng thực hiện có hiệu quả; các nguồn vốn được tích cực huy động, đáp ứng nhu cầu cho vay phát triển SXKD.
Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa – xã hội được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, thực hiện, từng bước đưa Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH T.Ư Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” vào cuộc sống. Bên cạnh nhiều sự kiện văn hóa như ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các khu di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, tỉnh nhà đã đẩy mạnh các hoạt động văn hóa – thể thao quần chúng và phát triển rộng rãi lĩnh vực thông tin – truyền thông.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại |
Hiện tại, cấp ủy, chính quyền các cấp đang triển khai nhiều hình thức, tập trung hướng về lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du. Từ đó, làm lan tỏa giá trị tinh thần văn hóa dân tộc nói chung, văn hóa Hà Tĩnh nói riêng kết tinh qua các trước tác của Đại thi hào tới quốc tế, mở rộng giao lưu – đối thoại văn hóa với các nước trên thế giới.
Các lĩnh vực GD&ĐT, y tế tiếp tục được quan tâm. Chất lượng GD&ĐT nâng lên một bước; mạng lưới trường lớp được củng cố, sắp xếp hợp lý. Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH T.Ư Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU về “Phát triển, nâng cao chất lượng GD&ĐT đến năm 2015 và những năm tiếp theo”. Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2; củng cố, giữ vững chất lượng phổ cập THCS. Tỷ lệ học sinh thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng và học sinh giỏi cấp quốc gia hằng năm đạt cao; có học sinh đạt huy chương quốc tế.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Tĩnh và gia đình tặng hoa chúc mừng em Nguyễn Thị Việt Hà trở về từ Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế lần thứ 56 tại Thái Lan với tấm HCĐ |
Cùng với Nghị quyết 05-NQ/TU, việc thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân đến năm 2015 và những năm tiếp theo” được cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai, thực hiện có hiệu quả. Mạng lưới y tế tiếp tục được củng cố; quản lý nhà nước về y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm được tăng cường; cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư, nâng cấp; nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao được đưa vào ứng dụng.
Song song với thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, công tác lao động - việc làm, an sinh xã hội được quan tâm cụ thể. Đã huy động tổng hợp các nguồn lực và lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án; thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%, hộ cận nghèo còn dưới 9%. Triển khai có hiệu quả chủ trương hỗ trợ nhà ở cho đối tượng chính sách; xây mới, sửa chữa, nâng cấp trên 51.000 nhà ở cho các đối tượng.
Chất lượng khám chữa bệnh ở Hà Tĩnh ngày càng được nâng cao. Trong ảnh là Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên tham quan BVĐK Hà Tĩnh. |
Những thành quả toàn diện nêu trên được đặt trong bối cảnh chính trị ổn định, tình hình an ninh, TTATXH đảm bảo, quốc phòng được giữ vững, đã chứng tỏ, nhiệm kỳ 2010-2015, với sự tập trung cao của cấp ủy, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và toàn xã hội, tỉnh ta đã bước đầu đạt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Đây là những dấu ấn khẳng định một nhiệm kỳ thành công, vượt bậc, tạo tiền đề để triển khai, thực hiện thắng lợi những mục tiêu, chỉ tiêu của 5 năm và những năm tiếp theo.
Trên cơ sở các phương pháp đúng đắn trong lãnh đạo, chỉ đạo, nhiệm kỳ này, Đảng bộ tỉnh xác định phương hướng, mục tiêu tổng quát là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy dân chủ, đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; mở rộng hội nhập; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, gắn với nền nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn theo hướng CNH-HĐH; đầu tư phát triển văn hóa - xã hội và hệ thống đô thị tương xứng với phát triển kinh tế; bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo QPAN, TTATXH; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị; đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại”.
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn