Về các xã vùng ven biển huyện Cẩm Xuyên vào trung tuần tháng 7 đều bắt gặp sự hối hả của người dân nuôi tôm đang đổ ra các ao đầm kéo tôm để kịp xuất bán cho thương lái. Tại vùng nuôi Đập Đuồi xã Cẩm Phúc, không khí thu hoạch tôm sôi động cả một vùng, tiếng nói cười rôm rả. Anh Hoàng Kim Túy – chủ đầm tôm tại đây phấn khởi cho biết: Anh vừa thu hoạch 4,5 tấn tôm chỉ trên diện tích hơn 7000m2 với giá 75 nghìn/kg. Tính sơ sơ trừ chí phí tôi cũng lãi được hơn 100 triệu đồng. Anh Túy nuôi tôm đã lâu nhưng chưa bao giờ có hiệu quả như năm nay. Bởi nhẽ vụ nuôi này anh đã mạnh dạn đầu tư nuôi tôm trên ao đất lót bạt. Đây là một hình thức nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Rời Cẩm Phúc, chúng tôi sang vùng đầm tôm Đồng Tùng xã Cẩm Lộc. Các đầu mối thu mua tôm đang tập trung xe tải, xe máy về đây đang đợi các hộ dân quây lưới thu hoạch tôm. Ông Lâm Xuân Thuận – Cán bộ KN-KN xã Cẩm Lộc cho biết: Toàn xã có hơn 23ha diện tích nuôi tôm, trong đó vùng nuôi tập trung Đồng Tùng 19 ha. Trước đây chủ yếu nuôi tôm quảng canh nên gặp nhiều rủi ro, thậm chí “ thất bát” thì mấy năm gần đây người dân nuôi tôm ở Cẩm Lộc đã biết đầu tư nâng cấp lên bán thâm canh nên năm nào cũng được mùa, ai ai cũng phấn khởi. Đặc biệt, sau khi xuống xuống được hơn 1 tuần, xuất hiện dịch bệnh đốm trắng ở tôm làm chết rải rác ở một ao nuôi thuộc vùng Đồng Tùng, huyện đã kịp thời cấp hoá chất xử lý, cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân khoanh vùng dập dịch nên thiệt hại không đáng kể. Nhờ vậy, vụ tôm năm này hầu hết các ao nuôi ở đây đều có thu, hộ nào nuôi ít cũng có lãi trên 50 triệu đồng, hộ nào nuôi nhiều có trong tay hơn trăm triệu đồng. Ước tính, sản lượng tôm toàn xã thu hoạch đạt từ 60-70 tấn tôm he chân trắng.
Thu hoạch tôm ở Cẩm Phúc |
Không chỉ các vùng nuôi trên mà ở các xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Phúc, Cẩm Hòa, Cẩm Dương… hàng trăm người dân cũng tranh thủ thời tiết thuận lợi xuống ao thu hoạch tôm. Theo ông Trần Đắc Đại – Phó phòng NN- PTNT huyện Cẩm Xuyên thì hiện nay toàn huyện đã thu hoạch được khoảng 40% diện tích tôm nuôi, với sản lượng tôm hơn 160 tấn. Dự kiến đến 10-8, toàn bộ diện tích thu hoạch xong, ước đạt tổng sản lượng đạt 400 tấn tôm thẻ chân trắng, tăng khoảng gần 200 tấn so với năm 2011. Sau vụ này tại các vùng cao, không bị ngập lụt sẽ tiếp cải tạo ao đầm nuôi gối tiếp. Còn các vùng thấp trũng bà con thả các đối tượng nuôi khác… để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Bước vào vụ nuôi tôm đầu năm nay thời tiết không mấy thuận lợi do mưa nhiều, việc cải tạo ao đầm gặp nhiều khó khăn. Nhưng sau khi trời nắng đẹp, thời tiết thuận lợi huyện Cẩm Xuyên đã chỉ đạo các địa phương huy động người dân tập trung cải tạo ao đầm bài bản theo đúng quy trình, kỹ thuật. Khó khăn hơn nguồn giống tôm chất lượng năm nay quá khan hiếm, vì vậy, các hộ dân phải “chạy đôn, cháy đáo” tìm hiểu và mua con giống ở các tỉnh Quảng Ngãi , Quảng Trị, Bình Định… Cùng với đó là chi phí đầu vào cho nuôi tôm tăng cao hơn so với các năm trước.
Vượt qua những khó khăn trên, người dân nuôi tôm Cẩm Xuyên đã chịu khó đầu tư nâng cấp ao đầm, áp dụng tốt về khoa học kỹ thuật, chọn con giống chất lượng, thả đúng mật độ, giữ gìn môi trường, chăm sóc và phòng chống dịch bệnh cho tôm. Mặt khác huyện chú trọng đến việc đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, nạo vét kênh cấp, kênh tiêu và điều hành nước hợp lý cho các vùng nuôi. Đổi mới phương pháp tập huấn bằng cách đi kiểm tra và hướng dẫn trực tiếp đến từng hộ nuôi. Điều đáng mừng, hiện nay toàn huyện đã thành lập được 10 tổ hợp tác và 2 HTX nuôi tôm có tính cộng đồng cao tạo hiệu quả và bền vững.
Thật vui khi người dân nuôi tôm ở Cẩm Xuyên được mùa sau biết bao ngày đêm thức trắng cùng tôm. Thế nhưng vẫn còn đó nỗi buồn trong kỳ thu hoạch với mong muốn của người dân nuôi tôm “ đầu ra” sẽ không còn bị tư thương ép giá.
HỮU TRUNG -THẾ CÔNG
Nguồn:baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn