Ở nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, hiện nay, tình trạng nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn đã gây khó khăn trong sinh hoạt của người dân. Để góp phần nâng cao chất lượng đời sống, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, nhiều năm qua, Nhà nước đã đầu tư xây dựng nhiều công trình nước sạch. Tuy nhiên, có những công trình chỉ hoạt động được một thời gian là xuống cấp, thậm chí, bỏ hoang, gây lãng phí nghiêm trọng.
Nhà máy bỏ hoang khi vừa hoàn thành |
Nhà máy Nước xã Tân Lộc (Lộc Hà) là một trong những điển hình về sự lãng phí trong việc đầu tư xây dựng. Được đầu tư gần 3 tỷ đồng, khởi công và hoàn thành trong năm 2007, công trình được kỳ vọng sẽ cung cấp đủ nước sạch cho hàng ngàn hộ dân trong xã. Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn hoàn thành cũng là lúc nhà máy phải đóng cửa và bỏ hoang cho đến nay. Qua tìm hiểu, nguyên nhân chính khiến công trình tiền tỷ vừa xây xong đã “đắp chiếu” là do các hạng mục như đường ống, nhà vận hành ngày càng bị xuống cấp trầm trọng, một số thiết bị mất trộm, hư hỏng do không được bảo quản.
Công trình đường ống và bể chứa nước tập trung tại xã Hộ Độ cũng không khá hơn. Trước sự khó khăn về nguồn nước của người dân nơi đây, đầu năm 2005, UBND tỉnh cho phép tiến hành triển khai dự án gần 3 tỷ đồng làm đường ống và 7 bể chứa nước tập trung. Tuy nhiên, đến nay, đã hơn 10 năm trôi qua, hàng ngàn hộ dân vẫn “khát nước”. Đặc biệt, trong những ngày nắng nóng, người dân phải chạy đôn, chạy đáo đi mua nước tại các khu vực lân cận để phục vụ sinh hoạt.
Các hạng mục xuống cấp nghiêm trọng |
Cùng “chung số phận” với 2 công trình nước sạch tại Lộc Hà là các công trình tại xã Đức Dũng, Đức Lạng (Đức Thọ), Hương Lâm (Hương Khê)...
Có thể nói, việc xây dựng các công trình nước sạch có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng dân cư, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, nếu không làm tốt công tác khảo sát, xây dựng, quản lý và sử dụng thì sẽ còn rất nhiều công trình tiếp tục “đắp chiếu” vì không phát huy được hiệu quả như kỳ vọng.
Ánh Nguyên
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn