Mô hình CĐML được hình thành theo chủ trương xây dựng vùng SX hàng hóa tập trung gắn liên với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Xuất phát từ thực trạng nền SXNN nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, manh mún nhỏ lẻ, chưa có sự tập trung liên kết DN dẫn đến chất lượng cũng như khả năng tiêu thụ sản phẩm bấp bênh.
Từ mô hình CĐML đầu tiên được hình thành ở An Giang, Cần Thơ đến nay cả nước đã hưởng ứng mạnh mẽ, nhất là các tỉnh Nam Bộ. Vụ ĐX 2012 - 2013 Nam Bộ đã triển khai tại 13 tỉnh với diện tích 76.560 ha.
Các tỉnh phía Bắc từ năm 2012 đã có sự chuyển dịch ngày càng quy mô, hiệu quả SX CĐML. Vụ ĐX 2011 - 2012 tổng diện tích thí điểm mới đạt 6.248 ha sang đến vụ ĐX 2012 - 2013 mô hình đã được mở rộng ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc là 32.151 ha với 495 mô hình, tăng gấp 5 lần.
Ông Lê Đình Sơn, PCT UBND tỉnh Hà Tĩnh (thứ hai từ phải sang) chia sẻ về tình hình SX CĐML
Một số tỉnh triển khai mô hình có quy mô lớn như Nam Định 6.075 ha, Hà Nội 4.400 ha, Hà Tĩnh 3.694 ha… Hầu hết các mô hình đều có sự liên kết với DN (Cty CP GCT TW, Cty CP Phân lân nung chảy Văn Điển, Cty CP VTNN Nghệ An… Áp dụng các giống mới chủ yếu trà xuân muộn (NA2, TH3-3, AC5, Bắc thơm số 7…), hỗ trợ kỹ thuật cũng như bao tiêu sản phẩm. Hiệu quả bước đầu được thể hiện rõ tăng thu nhập cao hơn từ 2 - 8 triệu đ/ha so với ngoài mô hình…
Là một DN kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, Cty Cổ phần VTNN Nghệ An đang ngày càng có vị thế đối với nông dân; nhất là bà con các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định… Các CĐML giống VTNA2, DT68… của Cty đang dần chiếm vị thế ở nhiều địa phương.
Ông Trương Văn Hiền, GĐ Cty VTNN Nghệ An cho biết: “Kết quả xây dựng CĐML từ năm 2011 đến nay… ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định… đã cho thấy năng suất thu hoạch tăng 10 - 15%, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Năm 2012 Cty chúng tôi đã thu mua được 4.676 tấn lúa của bà con”.
Là một địa phương gặp nhiều khó khăn trong SX nông nghiệp, song đến nay tỉnh Hà Tĩnh đã đã tiếp cận với các hình thức liên kết SX CĐML với 3.693,7 ha trong đó SX giống lúa của Cty CP VTNN Nghệ An chiếm hơn 3.000 ha. Xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) được coi là nơi thí điểm mô hình CĐML lớn nhất ở Hà Tĩnh với tổng diện tích 445,3 ha trong đó cánh đồng mẫu lúa VTNA2 là 426 ha, chiếm gần 96% tổng diện tích và thu hút hơn 95% số hộ tham gia.
Anh Nguyễn Văn Lý, một nông dân ở Cẩm Xuyên chia sẻ: “Nhà tôi làm 1 mẫu, trong đó 8 sào giống VTNA2, DT68… Đây là những giống mới ngắn ngày cho năng suất cao (3 - 3,5 tạ/sào). Do có sự hỗ trợ giống, kỹ thuật chúng tôi rất chủ động. Vụ ĐX này gia đình tôi dự định xuất 50% sản lượng cho Cty”.
Ông Lê Quốc Doanh, Cục trưởng Cục Trồng trọt chia sẻ: “Việc hình thành và phát triển mô hình CĐML theo chủ trương xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm của Chính phủ. Trên thực tế các mô hình này dần tạo ra bước ngoặt trong SX và đem lại lợi ích không chỉ cho DN mà còn cho chính bản thân nông dân”.
Cũng theo ông Doanh, nhờ tập trung SX mà năm 2012 VN đã XK trên 8 triệu tấn gạo. Đó quả là một thành công không nhỏ. Hiện ngày càng có nhiều DN hướng đến kinh doanh các mặt hàng nông sản cũng như tham gia vào quá trình thúc đẩy chuyên môn hóa trong SX, từ đó liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm. DN có thể tham gia liên kết bằng nhiều hình thức liên doanh, liên kết SX, tiêu thụ hay cho DN thuê…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn: “Là một tỉnh nghèo Hà Tĩnh đang dồn sức để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Do đó rất cần sự phối hợp mạnh mẽ hơn nữa giữa các cấp lãnh đạo địa phương với DN, đặc biệt cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của Cục Trồng trọt, các nhà khoa học để Hà Tĩnh tiếp tục nhân rộng CĐML trên toàn tỉnh”. |
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn