Cán bộ Chi cục Thủy sản kiểm tra, giám sát phòng chống dịch bệnh cho tôm nuôi.
Xuống giống vụ tôm nuôi đầu tiên trong năm chưa đầy 2 tháng thì người nuôi phải "đối mặt” với dịch bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 29,79 ha “dính” bệnh tại các vùng nuôi tôm thuộc huyện Kỳ Anh, TX Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Nghi Xuân.
Anh Trần Thái Dũng - chủ đầm tôm ở xã Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh) cho biết: Vụ tôm đầu năm, anh thả 1,3 triệu con tôm giống Việt Úc, giống CP cho 7 ao nuôi. Do thời tiết năm nay nắng, mưa thất thường nên anh đã thận trọng chia làm 3 đợt xuống giống, vậy mà, sáng 27/4, khi kiểm tra ao nuôi thì phát hiện tôm có hiện tượng lờ đờ, tấp bờ chết hàng loạt do bệnh đốm trắng.
“Dịch bệnh làm 21 vạn con tôm giống CP chừng 50 ngày tuổi bị chết, thiệt hại ước tính hơn 200 triệu đồng. Với diễn biến của thời tiết như hiện nay thì hơn 1 triệu con tôm dưới 6 ao nuôi cũng đang bị dịch bệnh “đe dọa” - anh Dũng lo lắng.
Theo bà Đặng Thị Thu Hoàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y, dịch bệnh trên tôm nuôi được phát hiện bắt đầu từ giữa tháng 3 cho đến nay. Nguyên nhân được nhận định là do thời tiết thay đổi thất thường, gió mùa xen kẽ các đợt nắng nóng làm cho nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm rất lớn, gây biến động các yếu tố môi trường, giảm sức đề kháng của tôm, sinh ra dịch bệnh.
Thời tiết thay đổi thất thường làm giảm sức đề kháng của tôm, sinh ra dịch bệnh.
Dịch bệnh được phát hiện sớm, báo cáo kịp thời nên công tác phòng chống được các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn khẩn trương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.
“Ngay sau khi báo cáo có dịch, Chi cục Chăn nuôi - Thú y đều cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống các vùng nuôi hướng dẫn người dân đóng kín cống, không tháo xả nước ra ngoài khi chưa qua xử lý, dùng vôi bột rải xung quanh bờ ao; thu nhặt tôm bệnh và tôm chết tiêu hủy theo đúng quy định, đồng thời, thông báo cho các cơ sở nuôi xung quanh để có biện pháp phòng bệnh kịp thời, tránh lây lan ra diện rộng… Đến thời điểm này, chi cục đã cấp hơn 5,6 tấn vôi bột, xử lý cho hơn 18 ha bị dịch bệnh…” - bà Hoàn cho biết thêm.
Ngoài những địa phương vào cuộc quyết liệt thì vẫn còn một số địa phương, chủ đầm tôm chưa thực hiện tốt việc kiểm tra, phát hiện, báo cáo tình hình dịch bệnh kịp thời, tháo xả tôm bị bệnh ra ngoài môi trường chưa qua xử lý như các xã: Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên), Thạch Trị, Thạch Hải (Thạch Hà), Cương Gián (Nghi Xuân)…; tình trạng thả tôm giống không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định xẩy ra tại một số vùng nuôi ở TX Kỳ Anh, huyện Nghi Xuân. Trong khi đó, thời tiết hiện nay vẫn đang bất lợi, các cơ sở nuôi tôm còn chủ quan, lơ là trước diễn biến dịch bệnh và thực hiện các quy định phòng chống. Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trong thời gian tới là rất cao.
Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi - Thú y đã yêu cầu trung tâm ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi các huyện ven biển, TP Hà Tĩnh, TX Kỳ Anh tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi. Theo đó, cán bộ kỹ thuật bám sát, hướng dẫn, khuyến cáo các chủ ao nuôi, vùng nuôi đã bị dịch bệnh sử dụng hóa chất Chlorine nồng độ 30 ppm để ngâm ao trong vòng 5-7 ngày mới tháo xả ra ngoài; cải tạo ao đầm đúng quy trình trước khi thả nuôi lại.
Những ao nuôi chưa xẩy ra dịch bệnh phải tiến hành theo dõi chặt chẽ các chỉ tiêu môi trường, sức khỏe tôm; tăng cường chế độ chăm sóc, quản lý, nâng cao sức đề kháng cho tôm; không thả mới hoặc thả bổ sung; hạn chế tối đa bổ sung nước, thay nước trong thời gian đang có dịch bệnh xẩy ra và hạn chế người, động vật vào ra khu vực nuôi…
Theo Hữu Trung/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn