Mặc dù năm nay thu hoạch lúa xuân sớm hơn mọi năm nhưng không vì thế mà tinh thần khẩn trương, nhộn nhịp sản xuất vụ hè thu bớt đi trên đồng ruộng Đức Thọ. Dưới cái nắng như thiêu đốt, bà con nông dân, người phơi rơm, phơi lúa, cố gắng hoàn tất nốt chặng cuối thu hoạch lúa xuân; người ra đồng làm đất, lấy nước về ruộng hè thu. Tập quán canh tác thâm canh đã tôi đúc cho người dân nơi đây tinh thần chủ động trong sản xuất. Ngay từ khi lúa xuân “đỏ đuôi” là trên từng góc ruộng mạ hè thu đã được bắc, đến thời điểm này, 150 ha mạ đã đến kỳ cấy, đủ cho trên 4.500 ha lúa.
Bà con nông dân xã Đức Dũng (Đức Thọ) làm đất gieo cấy lúa hè thu. |
Ông Nghiêm Sỹ Đông - Phụ trách Phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ cho biết: “Từ giữa tháng 5, huyện đã chỉ đạo bà con bắc trà mạ đầu tiên. Tuy nhiên, do trùng với thời điểm thu hoạch nên làm mạ gặp khó khăn do thiếu nước, nhất là tại một số vùng nguồn nước phụ thuộc. Hiện nay, nước đã bơm đều về các xã, hiện huyện đang chỉ đạo các địa phương gấp rút làm đất, quyết tâm sẽ hoàn thành gieo cấy hè thu trước ngày 10/6”.
Vừa có nước tưới được ít ngày, bà con đã dồn sức xuống đồng, tranh thủ mọi thời gian làm đất chuẩn bị cho cấy lúa, vừa tránh già mạ, vừa đảm bảo khung “an toàn, ăn chắc” cho vụ hè thu. Ông Phan Quốc Thống - chủ máy cày lồng đất (xã Đức Dũng) cho biết: “Mấy ngày nay, máy nhà tôi phục vụ liên tục, bình quân cứ trên 10 tiếng mỗi ngày, không kể trưa hay tối. Nếu lồng đất cho cấy luôn thì mỗi sào có giá từ 120-130 nghìn đồng”.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: "Để sản xuất vụ hè thu an toàn, “ăn chắc”, các địa phương cần tuân thủ đúng định hướng cơ cấu giống của tỉnh; đó là các loại giống ngắn ngày: VTNA2, TH3-3, PC6, riêng đối với KD 18, XM 12 chỉ bố trí ở những vùng đất “bất khả kháng” ven đồi hoặc đất cát. Bên cạnh đưa nhiều loại giống mới, giống ứng dụng KHKT vào thử nghiệm sản xuất (chưa có trong cơ cấu của tỉnh), các địa phương cần cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt, phải ràng buộc hợp đồng kinh tế với đơn vị cung ứng nhằm đảm bảo chất lượng giống, năng suất, sản lượng". |
Theo tính toán của bà con nông dân ở đây, nếu nguồn nước thuận lợi thì chỉ khoảng 1 tuần nữa, công tác gieo cấy lúa sẽ hoàn tất. Với tiến độ này, Cẩm Xuyên đang là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về tiến độ sản xuất hè thu. Dù vẫn còn sót lại một bộ phận nhỏ bảo thủ, “chậm tiến” trong cách thức sản xuất, sử dụng giống cũ (KD 18, XM 12), sử dụng không đúng cơ cấu; tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, cuộc cách mạng chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống vụ xuân đã làm thay đổi một cách căn bản về nhận thức của người dân. Bên cạnh tuân thủ đúng giống lúa ngắn ngày chủ đạo là VTNA2, TH3-3, PC6, RVT thì người dân còn mạnh dạn thử sức với nhiều giống chất lượng, mang tính hàng hóa cao. Đặc biệt, phần lớn người dân không còn để giống liền vụ, chỉ sử dụng giống do các công ty cung ứng. Bác Nguyễn Xuân Tùng (xóm 5, Cẩm Phúc) cho biết: “Gia đình tôi làm hơn 4 sào thì tất cả đều sử dụng giống lúa VTNA2 do Tổng Công ty CP VTNN Nghệ An cung ứng. Thu hoạch đến đâu làm đất đến đó, hiện nay, lúa giống đã ngâm rồi, chỉ ngày mai nữa là đủ ngày gieo xuống đất”.
Tuy hơi chậm chân hơn Đức Thọ và Cẩm Xuyên nhưng không khí sản xuất hè thu cũng diễn ra khá sôi động tại Lộc Hà và Can Lộc. “Nóng” nhất là chuyện nước tưới, dù mới là lượt đầu tiên của vụ nhưng tình trạng khô hạn đã xảy ra ở một số nơi. Đặc biệt, hiện nay, mực nước một số hồ đập nhỏ trên cả 2 địa bàn này đều xuống thấp, có nơi dung tích chỉ còn lại 1/3 như: hồ Vực Trống, Cu Lây…
Quan điểm nhất quán của tỉnh vẫn là vận động nhân dân canh tác tối đa diện tích vụ lúa hè thu. Bên cạnh đó, chỉ đạo các huyện phối hợp chặt chẽ với các công ty thủy nông dồn sức đổ nước đảm bảo đủ để bà con gieo cấy lúa, ưu tiên “xa trước, gần sau”.
NGUYỄN OANH
theo baohatinh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn