Trước tình hình trên, công tác phòng chống lụt bão, ứng phó thiên tai được tỉnh triển khai sớm nhằm chủ động các phương án để kịp thời đối phó khi có tình huống xấu xẩy ra.
Ông Bùi Lê Bắc - Chánh văn phòng BCH PCBL&TKCN tỉnh cho rằng: Ngoài củng cố kiện toàn lại Ban chỉ huy PCBL&TKCN các cấp, thì quan trọng nhất là cần rút ra bài học kinh nghiệm nhằm khắc phục tồn tại, yếu kém để công tác phòng chống bão lụt hiệu quả hơn. Mặt khác, phải huy động tối đa mọi nguồn lực bảo vệ con người và tài sản trong mùa mưa bão; hạn chế sự phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường... trên địa bàn. “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời” luôn là phương châm để các địa phương và các tiểu ban xây dựng phương án đối phó trước mùa mưa lũ. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng phòng chống thiên tai và phương châm “4 tại chỗ” thực sự quan trọng. Các địa phương phải đánh giá đúng tình hình để có phương án sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi có bão, lũ xẩy ra.
Kè chắn sóng Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) là lá chắn cho hơn 10 nghìn hộ dân địa phương trong mùa mưa bão. Ảnh: Hương Thành |
Ông Lê Duy Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết: Nghi Xuân đã xác định được các khu vực nguy hiểm khi có bão lũ xẩy ra: vùng bãi ngang trực tiếp chịu ảnh hưởng của bão và triều cường từ biển Đông; vùng ngập lụt do ảnh hưởng mưa, lũ to và vùng ảnh hưởng lũ quét dọc theo chân núi Hồng Lĩnh. Do đó, khi có bão, lũ xẩy ra từ cấp 8 - cấp 10 cần phải di dời hơn 1.000 hộ, 4.000 nhân khẩu và phải di dời trên 2.000 hộ, 7.000 nhân khẩu nếu có gió bão từ cấp 11 trở lên. Huyện cũng đã chuẩn bị lực lượng tại chỗ và các loại ô tô, thuyền máy, ca nô cùng một số phương tiện xe kéo, đồng thời dự phòng 200 tấn gạo cùng một số thiết bị để cung cấp khi cần thiết.
Trước mùa mưa bão, nhiệm vụ trọng tâm mà các ngành, địa phương đang tập trung thực hiện là đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình thủy lợi, hồ đập, các tuyến đường giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời xác định các trọng điểm xung yếu và xây dựng phương án phương châm “4 tại chỗ” bảo đảm an toàn các công trình trong mùa mưa lũ năm 2103. Theo ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hương Sơn, huyện đang tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng, chất lượng các công trình PCBL trên địa bàn. Riêng đối với các công trình trọng điểm sẽ được tập trung thực hiện như: Đập Khe Mơ sẽ được đắp đập chính đảm bảo cao trình tràn xả lũ trước lũ chính vụ; các tuyến kè Bồng Phài, Sơn Trung sẽ gấp rút hoàn thành trước mùa mưa lũ.
Từ những bài học kinh nghiệm, Tiểu ban an toàn nghề cá đang từng bước nâng cao ý thức cộng đồng về công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trên biển. Tàu thuyền trước lúc ra biển phải đảm bảo trang thiết bị an toàn; phát huy mạng lưới thông tin liên lạc (điện thoại, fax) giữa các cấp, ngành liên quan, đặc biệt là với các địa phương ven biển. Hiện nay, máy ICOM đã được trang bị cho 4 xã và Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh thuộc Dự án MOVIMAR cho 5 tàu cá xa bờ trên toàn tỉnh.
Triển khai nhiệm vụ PCBL năm nay, Chủ tịch UBND, Trưởng BCH PCBL&TKCN tỉnh Võ Kim Cự chỉ đạo các địa phương, tiểu ban cần huy động cả hệ chính trị vào cuộc để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Trong đó, thực hiện nghiêm túc phương án “4 tại chỗ”, đảm bảo xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xẩy ra; tăng cường năng lực tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn. Các đơn vị liên quan tổ chức diễn tập một cách bài bản về các phương án cứu hộ, cứu nạn để ứng phó kịp thời. Đặc biệt, củng cố, nâng cao năng lực và chất lượng hệ thống dự báo, cảnh báo, hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy, điều hành. Tổ chức tốt công tác thường trực PCBL&TKCN, nắm chắc diễn biễn thời tiết, thiên tai để kịp dự báo và cảnh báo cho nhân dân chủ động phòng tránh...
HỮU TRUNG
theo baohatinh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn