Cơ giới hóa sản xuất giúp xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) xây dựng những cánh đồng lúa chất lượng cao
Với gần 90% diện tích được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp và các loại máy gặt thô sơ khác, toàn bộ diện tích lúa vụ xuân 2015 trên toàn tỉnh đã được thu hoạch gọn trong thời gian trên dưới 10 ngày; có nơi chỉ trong vòng 1 tuần. Đến nay, toàn tỉnh có 165 máy gặt đập liên hợp và hàng ngàn máy gặt động cơ nhỏ. Vụ xuân vừa qua, không chỉ khai thác tối đa công suất số máy tự có, những ngày cao điểm, nhiều địa phương còn thuê thêm máy gặt đập liên hợp từ các tỉnh khác, chạy đua với thời gian để kịp sản xuất vụ hè thu.
Gia đình chị Đặng Thị Chinh (thôn 3, xã Kỳ Giang - Kỳ Anh) làm gần 1 mẫu lúa chất lượng cao. Nhà neo người, trong lúc lúa chín đồng loạt. Với việc thuê máy gặt đập liên hợp, chỉ trong vòng 1 ngày, toàn bộ diện tích được thu hoạch gọn; thóc được đóng thành bao, chỉ cần vận chuyển về sân phơi; rơm rạ cũng được phơi phong tại ruộng. “Trước đây, chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch là tôi không khỏi lo lắng. Chỉ mấy sào ruộng, từ khi gặt đến khi đưa lúa vào cất trữ phải mất biết bao công sức. Bây giờ, phần lớn công việc do máy móc thực hiện, việc thu hoạch không còn là vấn đề. Hơn nữa, gặt bằng máy rút ngắn được thời gian đáng kể để sớm bắt tay làm đất hè thu” - chị Chinh phấn khởi.
Nếu như máy gặt đập liên hợp và các máy gặt nhỏ góp phần quan trọng rút ngắn thời gian thu hoạch lúa vụ xuân, thì các loại máy cày lại phát huy tác dụng trong việc rút ngắn thời gian làm đất vụ hè thu. Với gần 10.000 máy làm đất các loại, tổng công suất 143.000 CV, trong đó, có 143 máy kéo công suất 35 CV trở lên; 4.125 máy kéo công suất từ 12 CV đến dưới 35 CV; gần 6.000 máy kéo có công suất dưới 12 CV, vụ hè thu 2015, bình quân tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất toàn tỉnh đạt gần 90% diện tích. Nhiều địa phương có tỷ lệ sử dụng máy làm đất cao như: Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh, Can Lộc, Lộc Hà...
Chị Lê Thị Hải (thôn Thống Nhất, Ích Hậu, Lộc Hà) cho biết: So với mọi năm, tiến độ làm đất vụ hè thu năm nay được rút ngắn hơn nhiều ngày. Vì vậy, đến thời điểm này, lúa đã phát triển tốt. Theo đó, nguy cơ cây lúa bị thiên tai, lũ lụt vào cuối vụ như trước đây là không cao.
Những năm qua, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất trên địa bàn không ngừng tăng cao. Đây là kết quả của việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện, góp phần giải quyết khó khăn về lao động, đảm bảo tính thời vụ, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc phát triển cơ giới hóa trong sản xuất của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu thực tiễn đặt ra. Trong đó, việc đầu tư vào chiến lược cơ giới hóa ở tầm vĩ mô chưa đồng bộ. Chưa khai thác triệt để hiệu quả, công suất các loại máy móc, nhất là máy cày, kéo, máy gặt đập liên hợp. Cùng với đó, hệ thống mạng lưới cơ sở bảo hành, dịch vụ, sửa chữa, cung ứng phụ tùng thay thế máy nông nghiệp ở các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu... Bên cạnh đó, việc chuyển đổi ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất lớn với hệ thống đường nội đồng đủ điều kiện để đưa các loại máy móc hiện đại vào đồng ruộng ở nhiều địa phương còn hạn chế.
Theo ông Bùi Quang Hoàn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục tham mưu tỉnh nghiên cứu và ban hành hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp, nhằm phát huy hiệu quả cơ giới hóa, đẩy mạnh sản xuất sản phẩm hàng hóa quy mô lớn; khuyến khích các thành phần kinh tế độc lập hoặc liên doanh xây dựng các cơ sở sản xuất, kinh doanh máy móc, thiết bị và phụ tùng thay thế, dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa máy.
Bên cạnh đẩy mạnh cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch lúa, cần tăng cường áp dụng trong sản xuất và thu hoạch rau màu; phát triển các loại máy móc, thiết bị phục vụ bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch, vốn đang là điểm yếu trong thực hiện cơ giới hóa sản xuất và chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Tĩnh.
Theo: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn