>> Bài 1: Loay hoay sản xuất
>>> Bài 2: Vướng đầu ra
Dán tem nhận diện sản phẩm RAT tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm. Ảnh: Thiên Tú
Bài 3:“Mở đường” cho rau an toàn
Kiểm soát chặt chẽ chất lượng
Từ tháng 11/2011, Bộ NN&PTNT đã có chương trình phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội triển khai mô hình sản xuất rau sạch, trong đó có việcdán nhãn nhận diện sản phẩm RAT tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm với diện tích 250ha. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức cho biết, việc gắn nhãn giúp khẳng định chất lượng, thương hiệu vùng rau với người tiêu dùng. Đồng thời, giá bán rau cũng cao hơn từ 500 - 1.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, hiện nay mới chủ yếu dán nhãn bán buôn theo từng túi lớn nên thương lái vẫn có thể trộn sản phẩm kém chất lượng vào RAT. Bởi vậy, cần đẩy mạnh dán nhãn truy xuất nguồn gốc theo túi bán lẻ tới tay người tiêu dùng. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân kỳ vọng, trong thời gian tới với việc đưa lực lượng cán bộ bảo vệ thực vật về ngành nông nghiệp quản lý sẽ kiểm soát được 75 - 80% diện tích rau tại các xã. Đồng thời, việc dán nhãn nhận diện sản phẩm an toàn sẽ tiến hành ở tất cả mọi nơi từ chợ đầu mối, ngõ ngách, xe thồ... chứ không phải chỉ trong siêu thị.
Theo ông Vân, để dán tem nhãn cho khoảng 4.000ha RAT hiện nay, thành phố cần khoảng 25 tỷ con tem mỗi năm trong khi lực lượng làm công tác này còn mỏng. Do đó, trong những năm đầu, thành phố cần có chính sách hỗ trợ dán tem nhãn cho các vùng RAT.
Tích cực gỡ khó
Theo ước tính, nhu cầu tiêu dùng rau xanh của Hà Nội khoảng 75.000 tấn/tháng. Tuy nhiên, lượng rau sản xuất ra trên địa bàn chỉ đáp ứng khoảng 60%, còn lại phải nhập từ các tỉnh lân cận. Chính vì vậy, việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất RAT là rất cấp thiết. Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Việt Liên đề xuất, thành phố nên chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các dự án sản xuất RAT làm căn cứ để địa phương triển khai. Đồng thời cần đơn giản hóa thủ tục xây dựng cơ sở hạ tầng vùng rau và hỗ trợ kinh phí chuyển giao kỹ thuật, giống mới vào sản xuất.
Ngoài tiêu thụ trong thành phố, Hà Nội có thể tháo gỡ đầu ra cho RAT bằng hướng xuất khẩu. Hiện nay, nhiều mặt hàng rau, củ, quả mà Hà Nội sản xuất có thị trường rất tiềm năng tại châu Âu. Việc bắt buộc phải đảm bảo các yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu sẽ là hạt nhân thúc đẩy phát triển sản xuất RAT của Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Xuân Thu Thứ trưởng Bộ NN&PTNT |
Lâu nay, việc tìm đầu ra cho RAT mới chỉ dừng lại ở các kênh lớn là cửa hàng phân phối, siêu thị... Ông Trương Minh Thanh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội kiến nghị, thành phố cần quy hoạch các điểm bán RAT ngay tại các chợ dân sinh bởi đây là những điểm tiêu thụ rau ổn định. Ngoài ra, tại các khu đô thị, khu tập thể rất đông dân cư nhưng hiện nay lại không có điểm bán RAT. Do đó, thành phố cần chỉ đạo chủ đầu tư của các khu đô thị quy hoạch 1 - 2 điểm bán các mặt hàng thiết yếu như RAT tại những điểm này.
Đầu tháng 11/2012, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 140/KH-UBND về việc lưu chuyển, tiêu thụ rau, củ, quả an toàn vào nội thành. Trong đó, thành phố giao cho Sở Công Thương phối hợp với UBND 4 quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Ba Đình xây dựng các điểm bán rau lưu động, mỗi quận xây dựng 15 điểm trong năm 2012 và phát triển thêm 10 điểm vào năm 2013. Bắt đầu từ ngày 15/11, các điểm bán rau này đã hoạt động, phục vụ tới tận các khu dân cư, khu tập thể.
Bên cạnh đó, từ giữa năm 2012, theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT Hà Nội, Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội (sanbanbuon.com) đã được khai trương. Theo ông Nguyễn Thành Lưu, Giám đốc Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội, với những thông tin cụ thể về vùng sản xuất, địa chỉ, tên chủ hộ, chủng loại rau, số lượng... người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng RAT. Ngoài ra, việc mua RAT qua sàn giao dịch còn ổn định về giá cả, không bị "thổi" giá như ở ngoài chợ, nhất là trong những đợt mưa bão. Hiện sản lượng rau tiêu thụ qua sàn giao dịch đạt gần 5 tấn/ngày với 99 điểm tiêu dùng ở các khu dân cư.
Bài cuối: Quản lý chặt khâu sản xuất và tiêu thụ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn