Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cùng các ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương cùng dự.
Thực hiện Kết luận số 05-KL/TU và Kế hoạch số 01-KH/BCĐ, thời gian qua các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung chặt chẽ, sâu rộng trong toàn thể đội ngũ cán bộ. Đồng thời, trên cơ sở đề cương khảo sát của tỉnh, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng, cụ thể hóa thành đề cương khảo sát của mình phù hợp với tình hình thực tế. Nhiều đơn vị đã xây dựng hệ thống biểu mẫu tương ứng với các nội dung theo yêu cầu của tỉnh để tiến hành khảo sát. Các đơn vị làm tốt như: Hương Sơn, Thạch Hà, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Hương Khê, TP. Hà Tĩnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng: Thực hiện Kết luận 05 phải lấy hiệu quả công việc làm đầu, không phải chỉ chú trọng sáp nhập chức danh. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ ràng, đúng đắn mục tiêu của đề án là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy. Phải xác định lại cơ cấu, vị trí việc làm, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị; kiên quyết cắt giảm biên chế... |
Theo số liệu khảo sát, ở cấp tỉnh, có 22 cơ quan hành chính, 137 đơn vị sự nghiệp. Tính đến 30/9/2016, tổng số công chức đang làm việc tại các sở, ban, ngành là 1.273 người; tổng biên chế công chức, viên chức, người lao động làm việc trong đơn vị sự nghiệp là 27.787 người. Ở cấp huyện, mỗi huyện có 12 phòng chuyên môn, 779 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện. Tính đến 30/9/2016, biên chế đội ngũ công chức là 975 người, còn thiếu 83 người chưa được bố trí (so với kế hoạch 2016). Tổng biên chế các đơn vị sự nghiệp là 20.497 người.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Văn Thạch: Công tác khảo sát còn sơ sài. Phân tích đánh giá chức năng, nhiệm vụ chồng chéo như thế nào, cụ thể ra sao? Điều đó chưa được các địa phương, đơn vị thể hiện rõ. |
Toàn tỉnh hiện có 2.133 thôn, xóm, tổ dân phố; 262 xã, phường, thị trấn. Tổng số bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận là 4.280 người; cán bộ, công chức cấp xã 5.239 người.
Tuy nhiên, theo đánh giá, nhìn chung việc tham mưu xây dựng đề án chưa đảm bảo tiến độ đề ra. Một số sở, ngành và xã, phường, thị trấn đã xây dựng xong đề án nhưng chất lượng, hiệu quả đạt thấp. Một số địa phương, đơn vị tỷ lệ cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên tham gia học tập, quán triệt chủ trương, nghị quyết chưa cao. Công tác tổ chức, cán bộ có mặt còn hạn chế; xây dựng bộ máy chưa tinh gọn, chi phí lớn, hiệu quả chưa cao, chưa thật sự sâu sát cơ sở...
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng: Cần họp bàn, xem xét kỹ việc thực hiện mô hình kiêm nhiệm trưởng thôn và công an viên. Bởi thực tế hiện nay, đa số trưởng thôn có độ tuổi tương đối cao, việc kiêm nhiệm liệu có mang đến hiệu quả công việc tốt nhất? |
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích một số nội dung đề án; báo cáo thực trạng triển khai ở địa phương, đơn vị mình; thẳng thắn nhìn nhận hạn chế trong công tác triển khai.
Đại biểu cũng đề xuất một số ý kiến như: sáp nhập một số tổ chức hội đặc thù có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở cấp xã; rà soát lại tổ chức bộ máy theo hướng chặt chẽ hơn; giảm tối đa thủ tục hành chính; xếp lương và trả lương công chức theo các mức đánh giá A, B, C đồng thời lấy đó làm cơ sở để đánh giá năng lực cán bộ, công chức và có hướng xử lý, thay thế...
Bí thư Huyện ủy Thạch Hà Trần Nhật Tân: Thạch Hà đã triển khai 31 đề án cấp xã, 10 đề án cấp huyện. Tuy nhiên việc triển khai đang gặp khó khăn, mong Ban Chỉ đạo bổ sung cụ thể hơn nội dung đánh giá hiệu lực công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh; nghiên cứu phương án mỗi huyện nên làm mẫu một nội dung trong đề án... |
Qua nghe các ý kiến thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn khẳng định: Trong vận hành bộ máy còn cồng kềnh, hiệu lực hiệu quả kém và khối đơn vị sự nghiệp là khối bị người dân phản ánh nhiều nhất trong hoạt động, thực thi nhiệm vụ.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nghe, đánh giá đúng thực trạng, phân tích sâu những tồn tại, hạn chế và tiếp thu các ý kiến đóng góp từ địa phương, đơn vị để hoàn thiện đề án, có hướng đề xuất thời gian tới.
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nhanh chóng thành lập tổ giúp việc. Ban chỉ đạo cấp huyện tiếp tục quán triệt, tuyên truyền Kết luận 05 một cách sâu sát, thiết thực, cụ thể trên căn cứ các chủ trương, văn bản của Trung ương và tỉnh nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận cao. Việc sắp xếp lại bộ máy từ thôn đến xã cần phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng, không áp đặt; có cơ chế, chính sách toàn diện để huy động nguồn lực xã hội hóa...
Trong quá trình thực hiện, phải đánh giá vai trò lãnh đạo của Đảng. Các đơn vị, địa phương cần bám sát nội dung đề cương Kế hoạch 01 để triển khai thực hiện; kịp thời xem xét, bổ cứu với tinh thần vừa học vừa làm, nhưng làm đến đâu chắc đến đó – Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn