Tại buổi làm việc, UBND huyện Thạch Hà đã kiến nghị, đề xuất với tỉnh những vướng mắc của địa phương trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội.
Theo đó, trong lĩnh vực kinh tế, địa phương đề nghị tỉnh cần có nhiều giải pháp để phát triển công nghiệp nông thôn, nhất là bảo quản sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch. Hiện nay, phát triển công nghiệp là xu thế tất yếu nhưng cần quan tâm đến vấn đề môi trường.
Đối với địa bàn huyện Thạch Hà, động lực phát triển kinh tế của địa phương hiện nay tập trung ở cung đường tránh quốc lộ 1A. Vì vậy, tỉnh cần cho chủ trương phát triển những nhóm ngành nào, quy hoạch, phân vùng cụ thể để huyện có định hướng khi xây dựng kế hoạch đầu năm.
Trong lĩnh vực giáo dục, nhiều đại biểu kiến nghị tỉnh ban hành danh mục vị trí, việc làm trong ngành giáo dục; cần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở bậc mầm non, tiểu học và có lộ trình cụ thể để các trường chủ động trong công tác dạy học.
Trong lĩnh vực văn hóa, một số đại biểu góp ý: Đề án đặt tên đường cần hướng dẫn cụ thể từ tên đường đến ngõ, ngách; tỉnh cần nâng mức hỗ trợ cho các câu lạc bộ dân ca ví, giặm ở cơ sở.
Đối với công tác chính sách xã hội, huyện Thạch Hà cho rằng: Lâu nay, việc giải quyết chế độ chính sách cho đối tượng người có công vẫn còn nhiều tồn đọng, cần quan tâm giải quyết để đảm bảo chế độ an sinh cho các đối tượng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y đánh giá cao những ý kiến đóng góp của huyện Thạch Hà; các kiến nghị, đề xuất sẽ được tổng hợp, báo cáo thường trực HĐND tỉnh.
Về vấn đề được nhiều cử tri Thạch Hà quan tâm nhất hiện nay là di dời tái định cư các hộ dân ở khu vực thượng nguồn hồ Bộc Nguyên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y khẳng định: Kỳ họp tới, HĐND tỉnh sẽ bàn giải pháp để giải quyết dứt điểm. Quy hoạch tuyến đường tránh 1A cũng sẽ được xem xét, quyết định để đưa khu vực này trở thành động lực phát triển kinh tế của địa phương.
* Tại buổi thảo luận tổ đại biểu HĐND ở Hương Sơn, đại biểu đóng góp ý kiến vào các nội dung liên quan đến việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, QP-AN 6 tháng cuối năm 2018; quy định một số chính sách hỗ trợ đăng ký thành lập mới hộ kinh doanh và doanh nghiệp; một số chính sách phát triển CN - TTCN tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo; một số chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo; các công trình dự án cần thu hồi đất chuyển mục đích sử dụng.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho ý kiến về quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2025 và những năm tiếp theo; đề án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo…
Đóng góp về Đề án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa như dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ca trù, Truyện Kiều, Mộc bản trường học Phúc Giang, các đại biểu đồng tình với các nội dung, mục tiêu đã nêu, đồng thời kiến nghị xem xét thêm một số vấn đề như: Cần có kinh phí phù hợp cho các CLB hoạt động, có chế độ đảm bảo cho các nghệ nhân; chính sách đào tạo cán bộ chuyên ngành quản lý, bảo tồn và khai thác giá trị mộc bản cũng như các di tích, bảo vật cổ...
Đối với Đề án phát triển giáo dục, các đại biểu tập trung vào một số vấn đề về chế độ, chính sách cho giáo viên; đề nghị tăng biên chế cho giáo viên mầm non để đảm bảo công tác chăm sóc, giáo dục trẻ; có chính sách thu hút giáo viên giỏi về giảng dạy ở các trường trên địa bàn…
Kết luận buổi làm việc, ông Võ Văn Phúc - Chánh Thanh tra tỉnh, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại huyện Hương Sơn nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu để tham gia có chất lượng vào kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh sắp tới.
Tác giả bài viết: Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn