“Có một nghịch lý đang tồn tại ở các trung tâm dạy nghề là yêu cầu học viên khi tốt nghiệp phải có phẩm chất tốt, tay nghề giỏi; trong khi đầu vào cả đạo đức lẫn trình độ văn hóa còn rất hạn chế. Và như vậy, khó khăn lại nhân đôi” - Giám đốc Hoàng Văn Thức tâm sự.
Các học viên học nghề may tại Trung tâm DN-HN&GDTX huyện Cẩm Xuyên. |
Bất cập lớn nhất và cũng là yếu tố ảnh hưởng đến quá trình đào tạo nghề trong những năm trước là các trường dạy nghề thì được cấp kinh phí, còn các trung tâm dạy nghề không những không được cấp kinh phí cho hệ đào tạo dài hạn mà còn không tuyển được giáo viên dạy nghề. Nhưng “nút thắt” này đã được gỡ từ năm 2010 đến nay. Hà Tĩnh là một trong 2 tỉnh, thành (sau Bắc Giang) có bước đột phá táo bạo là sáp nhập các đơn vị với 3 phương thức đào tạo này làm một. Trung tâm DN-HN&GDTX Cẩm Xuyên là một trong những điển hình cho sự thành công.
Bên cạnh những thuận lợi chung khi thực hiện Đề án 1956 về tăng cường xây dựng cơ sở vật chất dạy nghề, Trung tâm DN-HN&GDTX Cẩm Xuyên còn được hưởng thêm một “đặc ân” là sự hỗ trợ kinh phí hơn 6 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất từ Cộng hòa Liên bang Đức. Đây là điều kiện để đơn vị bứt phá.
Để thu hút học viên, cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, lồng ghép qua các cuộc họp, lãnh đạo Trung tâm còn trực tiếp đến từng lớp THCS, THPT ở các trường để vận động. Tốt nghiệp THCS, THPT nếu không thi đỗ vào các trường đại học, các em vẫn còn một “cánh cửa mở toang” là đến trung tâm với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi: học sinh theo học nghề tại Trung tâm DN-HN&GDTX huyện Cẩm Xuyên được giảm giá học phí khi vào học. Thay vì phải đóng 295 ngàn đồng (học nghề và học bổ túc văn hóa), học sinh chỉ phải đóng nộp 180 ngàn đồng. Đặc biệt, đối với học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Trung tâm miễn giảm 100% học phí. Không chỉ vậy, năm học vừa qua, Trung tâm còn tranh thủ các nguồn hỗ trợ 5 suất học bổng (mỗi suất 1 triệu đồng) cho 5 em thuộc diện này…
Câu hỏi đặt ra là nguồn tiền “bao cấp” này lấy từ đâu?. Đơn giản chỉ là Trung tâm thường xuyên xây dựng mối liên kết đào tạo với các đơn vị tuyển dụng có nguồn. Cũng chính nhờ Trung tâm làm tốt khâu phối hợp, liên kết này, nên học viên không chỉ được hỗ trợ kinh phí đào tạo, sinh hoạt mà sau khi tốt nghiệp đều có việc làm ngay. Đó cũng chính là “lực hút” học sinh đến với Trung tâm ngày càng ổn định. 3 năm lại nay, hàng năm, Trung tâm đã GQVL cho khoảng 80 học viên với mức thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Mới đây, Trung tâm đã cho “ra lò” 39 học viên nghề hàn. Lập tức, các học viên được Lilama đón nhận vào làm việc. Tháng 6 năm nay sẽ có thêm 62 học viên tốt nghiệp trung cấp nghề được tuyển chọn. Giám đốc Hoàng Văn Thức phấn khởi cho biết thêm: “4 đối tác truyền thống đã ký kết hợp đồng chính là động lực, niềm tin đối với thầy trò Trung tâm. Hướng đi của chúng tôi là sẽ tiếp tục tập trung đào tạo những nghề mà doanh nghiệp, xã hội đang cần”.
HOÀI NAM - VŨ VIỄN
theo baohatinh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn