Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh: Hà Tĩnh sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế và tiếp tục quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Sau 5 năm triển khai Quy hoạch Phát triển nguồn nhân lực Hà Tĩnh, đã hỗ trợ 11 cán bộ công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng tiến sĩ và tương đương; hỗ trợ đào tạo 421 thạc sĩ và tương đương; đào tạo cao cấp lý luận chính trị 371 người; thu hút 3 giáo sư, phó giáo sư – tiến sĩ và 7 người tốt nghiệp đại học và sau đại học loại giỏi, xuất sắc…
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Văn Lượng: Để quy hoạch phát triển nguồn nhân giai đoạn tiếp theo đạt kết quả cao cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với cách làm mang tính khoa học, tránh tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay.
Công tác đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Trong giai đoạn 2011 – 2015, mặc dù số cơ sở dạy nghề giảm nhưng quy mô tuyển sinh tăng 30% (quy mô tuyển sinh học nghề hàng năm của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh hơn 22.000 người/năm); công tác đào tạo tại các trường đại học, cao đặng được tỉnh quan tâm, tập trung đầu tư và chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong 5 năm, các trường ĐH, CĐ đã đào tạo hơn 37.000 sinh viên các cấp học, đặc biệt đào tạo chuyên ngành và lưu học sinh tiếng việt cho hơn 30.00 học sinh Lào, Camphuchia, Thái Lan, Trung Quốc…
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh:Thời gian tới Trường Đại học Hà Tĩnh thường xuyên đổi mới chương trình đào tạo gắn với chuẩn đầu ra của mỗi chương trình mà sinh viên cần đạt được.
Công tác thông tin, dự báo về nhu cầu lao động trong tỉnh được triển khai trên các trang thông tin, sàn giao dịch lao động điện tử, giải quyết việc làm cho 152.248 lượt người (bình quân mỗi năm 30.000 lượt người); 34 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề đầu tư theo lĩnh vực khuyến khích xã hội hóa với kinh phí đầu tư 858 tỷ đồng.
Tuy vậy, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số tồn tại về các chính sách thu hút nguồn nhân lực tuyển thẳng không phù hợp với quy định mới; một số nội dung đào tạo còn trùng lặp do nhiều đơn vị tham gia; chính sách thưởng đối với nguồn nhân lực còn chồng chéo; chính sách về xã hội hóa chưa được thể chế kịp thời và phù hợp với điều kiện các địa phương… Các cơ sở đào tạo nghề chưa đạt chuẩn cả về đội ngũ và cơ sở vật chất; đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao.
Ông Phạm Minh Thùy – Trưởng ban Phát triển nguồn nhân lực – Viện chiến lược Bộ KH&ĐT: Với những đề xuất, kiến nghị của Hà Tĩnh, cần điều chỉnh quy hoạch các mục tiêu để phù hợp với thực tiễn. Tỉnh cần mạnh dạn giao cho các cơ sở triển khai thực hiện theo mô hình tự chủ, sau đó đánh giá rút kinh nghiệm và nhân rộng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh ghi nhận những ý kiến đóng góp của đoàn công tác và các sở, ngành liên quan. Để triển khai Quy hoạch Phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao, tỉnh sẽ tiến hành ra soát lại các tiêu chí về công tác đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu việc làm, đặc biệt là nguồn lực lao động tại các khu kinh tế.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực rất cần các doanh nghiệp có trách nhiệm tham gia. Hà Tĩnh sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế và tiếp tục quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút, tuyển dụng nhân lực và công tác xã hội hóa giáo dục, đào tạo đảm bảo phát triển nguồn nhân lực theo quy hoạch.
Trước đó, đoàn công tác đã có buổi làm việc với Trường Đại học Hà Tĩnh về công tác đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.
Theo Hoàng Long/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn