Trồng nấm không khó
Mặc dù dược du nhập vào Hà Tĩnh từ những năm 2001 nhưng phải đến đầu năm 2004 khi Trung tâm Chuyển giao KHCN Thạch Hà thực hiện thành công dự án “Ứng dụng KHCN xây dựng cơ sở sản xuất giống nấm và chuyển giao công nghệ sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu tại huyện Thạch Hà - Hà Tĩnh”, phong trào sản xuất nấm và sử dụng nấm làm thức ăn mới thực sự lan rộng trên địa bàn tỉnh ta.
Mô hình sản xuất nấm của Hội Phụ nữ xã Kỳ Hoa - Kỳ Anh |
Nhớ lại những ngày đầu tiếp cận với loại hình sản xuất mới, chị Nguyễn Thị Minh - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thạch Ngọc (Thạch Hà) cho biết: “Sau khi dự lớp tập huấn về quy trình, kỹ thuật sản xuất, chăm sóc nấm và được đi tham quan các mô hình sản xuất nấm ăn ở tỉnh bạn, 10 hội viên đầu tiên trong xã đã triển khai xây dựng mô hình trồng nấm sò. Vụ sản xuất đầu tiên, chúng tôi vừa có sản phẩm để ăn và biếu bà con, làng xóm lại vừa lãi 1,5 triệu đồng”.
Theo chị Trần Thị Lan (xóm Mộc Hải, xã Thạch Ngọc), kỹ thuật trồng nấm không khó, sản xuất nấm vừa chiếm ít diện tích lại tận dụng được thời gian nông nhàn và nguyên liệu rơm rạ sẵn có của địa phương. Từ phong trào sản xuất nấm của chị em, một số hộ đã bắt đầu nghĩ đến việc liên kết sản xuất bằng việc thành lập các tổ hợp, HTX sản xuất.
Theo thống kê, tính đến thời điểm này, chỉ tính riêng địa bàn huyện Thạch Hà đã có 270 hộ tham gia sản xuất nấm với sản lượng khoảng 150 tấn các loại, bình quân mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng, GQVL cho hơn 500 lao động nông thôn.
Nghề nấm cũng đã lan rộng đến vùng quê Bình Lộc (Lộc Hà) với mô hình sản xuất được đầu tư bài bản của anh Lê Trọng Hải (xóm 9). Được sự hỗ trợ về quy trình sản xuất của Viện Di truyền nông nghiệp, Lê Trọng Hải mạnh dạn đầu tư, xây dựng lán trại, lò hấp, sấy, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế từ trồng nấm không ngừng được gia tăng, bình quân mỗi mùa sản xuất cho thu nhập từ 20-30 triệu đồng.
Không dừng lại ở quy mô sản xuất nhỏ lẻ, năm 2008, HTX Sản xuất nấm Quang Trung do anh làm chủ nhiệm được thành lập, với sự tham gia của 18 xã viên, doanh thu bình quân mỗi năm đạt hơn 400 triệu đồng. Thành công của mô hình sản xuất nấm do Lê Trọng Hải khởi xướng không những góp phần GQVL cho hàng chục lao động ở địa phương mà càng củng cố hơn niềm tin về hiệu quả của việc áp dụng KHCN vào các mô hình sản xuất.
Qua khảo sát giá nấm trên thị trường hiện nay cho thấy, giá của các sản phẩm nấm có lợi nhuận cao hơn so với một số thực phẩm khác, nấm sò khoảng từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, nấm rơm từ 70.000 - 100.000 đồng/kg, nấm linh chi từ 400.000 - 700.000 đồng/kg khô. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nấm lúc nào cũng được thị trường tiếp nhận.
“Tắc” bởi ở đầu ra
Từ những kết quả ban đầu, hàng trăm gia đình ở các địa phương trong toàn tỉnh đã triển khai mô hình sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu, với các loại nấm chủ yếu như: linh chi, mộc nhĩ, nấm sò, nấm rơm, nấm mỡ. Nhiều hộ nông dân đã thực hiện thành công công nghệ sản xuất nấm và từng bước mở rộng quy mô sản xuất lên hàng trăm m2 lán trại. Tuy nhiên, khi sản xuất nấm phát triển ra diện rộng thì câu chuyện “đầu ra” cho sản phẩm càng trở nên khó khăn.
Nhờ phù hợp với các điều kiện sản xuất của địa phương nên nghề trồng nấm nhanh chóng phát triển |
Theo ông Bùi Quốc Sơn - Giám đốc Trung tâm nấm Thạch Hà, mặc dù đã có những bước tiến đáng kể, nhưng nhìn chung nghề trồng nấm trên địa bàn đang hoạt động dưới dạng nhỏ lẻ, manh mún theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, cung ứng đầu ra chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Sản phẩm làm ra chủ yếu do bà con tự tìm nơi tiêu thụ.
Theo giới thiệu của các cán bộ Trung tâm nấm Thạch Hà, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Viết Lưu (xóm Mỹ Kiều, xã Thạch Tân). Trong muôn vàn câu chuyện kể về nghề trồng nấm, ông Lưu không quên nhắc lại “quả đắng” mà do nghề nấm mang lại. Thời điểm đó (2007), gia đình ông Trần Viết Lưu là hộ tiên phong trong việc tiếp nhận một cách bài bản quy trình trồng nấm. Sau một vài vụ sản xuất “ăn nên, làm ra”, ông mạnh dạn xây dựng mô hình sản xuất nấm ăn, với diện tích lán trại lên tới 200 m2 cùng hệ thống lò hấp, sấy hiện đại. Sản phẩm làm ra cũng vì thế tăng lên cùng với quy mô sản xuất. Từ chỗ mỗi ngày chỉ thu hoạch dăm ba cân, lúc cao điểm, mỗi ngày gia đình thu hoạch hàng chục kg nấm tươi.
“Khổ nỗi, sản lượng thu hoạch tăng lên nhưng nhu cầu tiêu dùng có tăng đâu. Ngày hái dăm ba kg thì còn bán được, chứ hái vài chục kg biết bán cho ai. Với đặc tính của nấm sò, chỉ sau 1 ngày thu hoạch mà không bán được là ôi, thiu ngay. Bao nhiêu công sức bỏ sông, bỏ bể. Tiếc đứt ruột nhưng chẳng biết làm sao” - ông Lưu ngậm ngùi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều năm nay, Viện Di truyền nông nghiệp đã “bật đèn xanh” đồng ý thu mua sản phẩm nấm của bà con, nhưng họ chỉ thu mua với khối lượng lớn, trong khi nghề trồng nấm ở tỉnh ta lại đang tồn tại dưới dạng nông hộ, nhỏ lẻ nên việc liên kết tiêu thụ cực kỳ khó khăn.
Quyết tâm bứt phá
Đầu năm 2013, tỉnh ta đã kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tạo bước đột phá trong chu kỳ phát triển của nghề trồng nấm và sớm đưa nấm ăn, nấm dược liệu trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương. Quyết tâm đó được cụ thể hóa ngay trong các Quyết định 09 và 11 của UBND tỉnh về việc quy định mức hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng để phát triển sản xuất từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2015.
Tập huấn kỹ thuật sản xuất nấm tại Trung tâm nấm Thạch Hà |
Tại xã Thạch Tân (Thạch Hà), sau khi UBND tỉnh bàn hành các quyết định hỗ trợ, nhiều gia đình, tổ hợp tác sản xuất nấm rơm đã được tiếp cận chính sách để mở rộng quy mô, từng bước xây dựng mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Tân - Nguyễn Văn Ninh, xã đã thành lập được 4 mô hình, tổ hợp tác, mỗi mô hình có quy mô diện tích lán trại từ 200-400 m2. Ngoài các chính sách ưu đãi hỗ trợ theo các quyết định của tỉnh, xã trích ngân sách hỗ trợ thêm mỗi mô hình từ 30–40 triệu đồng.
Giám đốc Sở KH&CN Đỗ Khoa Văn cho biết: bên cạnh việc ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân tiếp cận, mở rộng quy mô sản xuất nấm, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt dự án “Ứng dụng tiến bộ KHCN phát triển mô hình sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu tại Hà Tĩnh”, do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh chủ trì thực hiện. Dự án có mục tiêu đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật và bà con nông dân về công nghệ trồng và chế biến nấm ăn, nấm dược liệu; thử nghiệm mô hình trồng nấm sò chịu nhiệt vụ xuân hè tại Hà Tĩnh với qui mô 13 mô hình (200m2/mô hình: 6 mô hình sản xuất thử 4.000 bịch/mô hình; 7 mô hình sản xuất thử 8.000 bịch/mô hình); chuyển giao công nghệ, hỗ trợ xây dựng 3 cụm mô hình điểm về sản xuất và sơ chế các loại nấm: sò, mộc nhĩ, rơm, linh chi (từ khâu đóng bịch, cấy giống đến chăm sóc, thu hái, sơ chế và bảo quản); xây dựng thương hiệu và xúc tiến thị trường cho sản phẩm nấm của địa phương; hỗ trợ hình thành một số đại lý, ki-ốt bán nấm tại các chợ đầu mối ở Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Sơn và TP Hà Tĩnh.
Đây là dự án có tính khả thi cao, thuộc chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, có tầm chiến lược trong việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng năng suất, chất lượng và hiệu quả, thân thiện với môi trường, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Từ chỗ phát động phong trào sản xuất nấm, tỉnh ta đã chuyển sang việc triển khai các chính sách đầu tư, hỗ trợ chọn lọc, sản xuất với quy mô lớn, tập trung bằng việc thành lập Trung tâm nấm Hà Tĩnh và xây dựng hàng loạt các vệ tinh cung ứng, tiêu thụ có quy mô.
Giáo sư Võ Quý: "Hà Tĩnh muốn đưa nấm ăn, nấm dược liệu trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương, trước hết cần làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá để nhiều người biết trồng nấm, chế biến nấm và ăn nấm; đồng thời cần lựa chọn các hộ sản xuất điển hình có kinh nghiệm, khả năng và tâm huyết để xây dựng mô hình, thực hiện đào tạo tại chỗ kết hợp tham quan, hướng dẫn trực tiếp, các mô hình này, làm đầu mối cung ứng nguyên liệu đầu vào, thu gom và sơ chế sản phẩm đầu ra cho các hộ xung quanh để chuyển về một mối". |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng, để sản xuất nấm sớm trở thành hàng hóa, không có con đường nào khác ngoài việc xây dựng chuỗi công nghệ kỹ thuật, quy trình sản xuất khép kín.
Trong quy trình sản xuất khép kín, vấn đề đầu ra cho sản phẩm sẽ được quán triệt xuyên suốt từ khâu đầu đến khâu cuối cùng của quá trình sản xuất. Theo đó, các yếu tố phải đảm bảo là: số lượng sản phẩm sản xuất ra phải đủ lớn, tập trung, thường xuyên; tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật từ sản xuất, thu hái, bảo quản, sơ chế, vận chuyển nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm; ổn định giá bán và có xuất xứ nguồn gốc sản xuất…
Mục tiêu lớn này chỉ có thể được thực hiện với sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền các địa phương và nỗ lực, quyết tâm của bà con nông dân. Sản xuất nấm chỉ có thể tạo bước đột phá khi sản phẩm làm ra được công chúng đón nhận và tự bản thân nó phải đâm chồi, bén rễ ngay trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.
NGÔ TUẤN
theo baohatinh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn