15:07 EST Thứ sáu, 22/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong tỉnh


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Ðể có những cánh đồng cho thu nhập cao Bài 2: Linh hoạt trong sử dụng đất trồng lúa

Thứ ba - 17/09/2013 03:50
(Tiếp theo và hết) (*) Những mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng cho thu nhập cao đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các địa phương, nhưng để có được những mô hình này trên đất lúa, nông dân nhiều nơi đã mạnh dạn đưa cây giống mới, chịu nhiều rủi ro và cả áp lực từ việc "xé rào" trong quy hoạch đất lúa. Hiệu quả kinh tế của các mô hình này đã được khẳng định, nhưng nhìn chung còn thiếu tính bền vững và để nhân ra đại trà thì không hề đơn giản...
Nông dân xã An Vĩ, huyện Khoái Châu, Hưng Yên thu hoạch nhãn chín muộn, thu hơn 400 triệu đồng/ha/năm.

Nông dân xã An Vĩ, huyện Khoái Châu, Hưng Yên thu hoạch nhãn chín muộn, thu hơn 400 triệu đồng/ha/năm.

Nông dân ngày càng năng động

Phó Chủ tịch UBND xã An Vĩ Nguyễn Văn Chung cho biết, nông dân An Vĩ chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ năm 2004, bắt đầu từ ruộng trũng cấy lúa một vụ bấp bênh, sau đó phát triển rộng trên các cánh đồng ở cả bốn thôn, cao điểm nhất vào năm 2010, làm diện tích trồng lúa của xã giảm đi hơn một nửa. Ban đầu,  huyện khuyến khích nông dân chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa bấp bênh, sang mô hình kinh tế hiệu quả hơn. Nhưng từ năm 2007 trở lại đây, chính sách quản lý đất lúa được thắt chặt, UBND xã không cho  nông dân chuyển đổi cây trồng trên đất hai vụ lúa nữa, nhưng nông dân vẫn  chuyển đổi hàng trăm mẫu đất lúa sang trồng cây có giá trị cao.

Ðến nay, xã An Vĩ đã có những vùng chuyên canh lớn gồm những cánh đồng trồng cây nhãn và cây có múi, chuối rộng 106 ha, vùng này cho thu nhập từ 300 triệu đồng/ha/năm trở lên; vùng rau và cây cỏ ngọt rộng 45 ha thu khoảng 350 triệu đồng/ha/năm; vùng lúa, màu khoảng 130 ha, thu thấp hơn, chỉ trên, dưới một trăm triệu đồng/ha. Việc chuyển đổi cây trồng đã giúp tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh tế trên diện tích đất, đưa giá trị thu bình quân trên/ha đất của xã đạt gần 200 triệu đồng/ha, gấp hơn hai lần so năm 2010. "Việc chuyển đổi bước đầu thành công, nhưng lãnh đạo xã bị cấp trên kiểm điểm do không giữ được diện tích lúa".

Ðồng chí Chung kể lại, và cho biết thêm, bây giờ, chính quyền xã vẫn gặp khó khăn trong định hướng sản xuất và xây dựng thương hiệu bởi thiếu những thông tin về diện tích các loại cây trồng của các xã trong huyện, trong tỉnh và ngoài tỉnh, thị trường trong và ngoài nước để khuyến cáo nông dân chuyển đổi trồng cây gì, diện tích bao nhiêu là phù hợp. Trước mắt, do diện tích trồng nhãn muộn ở  trong huyện cũng khá nhiều nên giá cả bắt đầu chững lại, UBND xã đã khuyến cáo nông dân không tăng diện tích trồng nhãn, chuyển hướng phát triển diện tích cây có múi và cỏ ngọt...

Là huyện có diện tích canh tác lớn nhất tỉnh Hưng Yên, nông dân Khoái Châu rất năng động chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Nơi đây bước đầu hình thành một số vùng chuyên canh cây ăn quả như Dạ Trạch, Ðông Tảo, Bình Minh, An Vĩ... Các xã vùng bãi thì trồng chuối. Anh Phạm Năng Thành, xã Ðại Tập là người đầu tiên trong việc đưa cây chuối tiêu hồng về trồng ở Khoái Châu cho biết: Ở vùng đất bãi này, trước kia chỉ trồng ngô, đỗ, lạc... thu nhập rất thấp, cuộc sống phần lớn nông dân rất khó khăn. Ðể biến "tấc đất thành tấc vàng", người nông dân phải "một nắng, hai sương" và có sự đam mê làm giàu. Khi mới khởi nghiệp, anh Thành đưa cây cam Vinh về vùng đất bãi trồng, nhưng rồi thất bại. Không nản chí, sau khi thăm một số tỉnh ở miền bắc  tìm hiểu về cây ăn quả, anh Thành cùng mấy anh em trong xã góp tiền đưa cây chuối tiêu hồng về trồng. Sau gần mười năm, chuối tiêu hồng phát triển tốt trên đất vùng bãi, cho thu nhập cao, gia đình anh Thành đã  thuê 25 mẫu đất trồng  chuối, mỗi năm cho thu nhập hơn một tỷ đồng. Ðến nay, cây chuối tiêu hồng trở thành cây trồng chủ lực ở vùng đất bãi ven sông của các xã Ðông Ninh, Tứ Dân, Ðại Tập, Tân Châu... với diện tích khoảng 600 ha, cho thu nhập bình quân 300 triệu đồng/ha/năm.

Ở xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, mỗi ha đất canh tác, nông dân thu nhập từ 200 đến 500 triệu đồng/năm. Sự thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng được Chủ tịch UBND xã Mễ Sở Lê Anh Tuấn cho biết, nông dân Mễ Sở vốn năng động và có "truyền thống" chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Trên đất ruộng, người dân liên tục đưa các loại cây trồng dễ tiêu thụ, năng suất cao vào trồng thay cây lúa, đầu tiên là cây quất cảnh, sau là cam đường canh, cam vinh, quýt, bưởi hoàng, ổi, táo, cây cảnh... Ðến nay, Mễ Sở hầu như không còn trồng lúa, trở thành vùng sản xuất rau, quả, cây cảnh lớn với 150 ha cây có múi, 11 ha cây cảnh và 113 ha  rau màu. Trong quá trình chuyển đổi  cơ cấu cây trồng, UBND xã Mễ Sở và các tổ chức đoàn thể đóng vai trò hỗ trợ và làm những việc người nông dân không thể tự làm được như việc dồn thửa, đổi ruộng, xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhất là phát hiện, định hướng, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả...

Sự thành công của một số mô hình như trên đã truyền cảm hứng và hình thành phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa trên toàn tỉnh Hưng Yên, góp phần hình thành nhiều vùng chuyên canh cho thu nhập cao với diện tích khoảng 10 nghìn ha như vùng trồng nhãn đặc sản ở huyện Tiên Lữ, Khoái Châu, TP Hưng Yên; vùng trồng vải huyện Phù Cừ; vùng trồng cây có múi (cam, quýt, bưởi) ở Văn Giang, Khoái Châu; vùng trồng chuối ở các xã vùng đất bãi Khoái Châu và một số xã ở Yên Mỹ; vùng trồng hoa, cây cảnh, dược liệu ở Văn Giang, Khoái Châu, Văn Lâm; vùng trồng rau chuyên canh ở Yên Mỹ, Kim Ðộng,... đưa giá trị thu nhập trên một ha canh tác toàn tỉnh năm 2012 đạt bình quân 130 triệu đồng/năm.

Sử dụng linh hoạt đất trồng lúa

 Tỉnh Hưng Yên hiện có hơn 58 nghìn ha đất nông nghiệp, trong đó hơn 41 nghìn ha đất chuyên trồng lúa, còn lại là đất trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch của tỉnh, đến năm 2020, diện tích đất nông nghiệp còn hơn 46 nghìn ha. Hơn 12 nghìn ha sẽ chuyển sang đất phi nông nghiệp phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị, giao thông... và đất  chuyên cấy lúa 35 nghìn ha. Do vậy, vấn đề quản lý, quy hoạch sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang là vấn đề bức bách. Phó Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu Hoàng Văn Tựu cho biết, nông dân huyện Khoái Châu đang dần chuyển sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với thị trường, cây nào có giá trị cao, tiêu thụ ổn định nông dân trồng, nhưng lại mâu thuẫn với việc quản lý đất lúa hiện nay, dẫn đến nông dân chuyển đổi tự phát, không kiểm soát được.

Trước vấn đề giữ đất lúa để bảo đảm an ninh lương thực, nông dân trong huyện khá trăn trở, bởi hiện nay chất lượng cuộc sống được cải thiện, nhu cầu lương thực trong bữa ăn giảm, trong khi nhu cầu thực phẩm tăng lên. Hơn nữa với cơ sở hạ tầng tốt, việc vận chuyển lương thực cũng rất thuận, do vậy áp lực thiếu lương thực trong điều kiện mất mùa đã giảm rất nhiều. Nếu chỉ vì lo về an ninh lương thực mà không chuyển dịch cơ cấu  cây trồng thì nông dân khó có thể giàu được. Do vậy, chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế đời sống của nông dân và thực tế các địa phương, thay cho việc giữ đất lúa thì nên tạo điều kiện cho nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp quy luật thị trường; đồng thời xây dựng các quy định quản lý đất chặt chẽ để hạn chế việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang  đất phi nông nghiệp; quy định, xác định trách nhiệm cụ thể đối với cá nhân, tập thể của từng cấp, từng ngành trong  thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền xét duyệt. Ðưa ra các chính sách giải quyết việc làm cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế ở nông thôn; nhất là ở địa phương có đất nông nghiệp quy hoạch sang đất phi nông nghiệp.

Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Hưng Yên Ðoàn Thị Chải cho rằng, ở những nơi nào có điều kiện chuyển đổi cây trồng nên cho nông dân chuyển sang trồng những loại cây có giá trị cao hơn lúa, nhưng không làm biến dạng đất lúa, nhất là ở những vùng đất cao, điều kiện tưới, tiêu khó khăn. Việc tạo môi trường thuận lợi cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại nhiều lợi ích; nông dân không phải chuyển đổi tự phát nữa mà chuyển đổi theo quy hoạch. Các địa phương có điều kiện hỗ trợ nông dân xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất theo quy hoạch, hỗ trợ kỹ thuật... sẽ nâng cao hiệu quả chuyển đổi cây trồng, khuyến khích các hộ nông dân liên kết hợp tác với nhau, với các doanh nghiệp, các nhà khoa học để xây dựng những vùng chuyên canh lớn có năng suất cao, sản lượng, chất lượng ổn định, có thương hiệu.

Các cơ quan chức năng nên quan tâm giúp những vấn đề gì nông dân cần, chưa thể tự làm tốt được như việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, nhất là về thông tin thị trường, dự báo thị trường để giúp các địa phương định hướng sản xuất. Về việc chuyển đổi cây trồng không phải địa phương nào nông dân cũng bỏ lúa chuyển sang trồng cây khác được. Việc chuyển đổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trình độ thâm canh, điều kiện đất đai, khí hậu, vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ... ở nhiều vùng nông dân vẫn giữ đất cấy lúa, bởi chuyển sang cây trồng khác thì không tiêu thụ được, thu nhập không bằng cấy lúa. Do vậy, việc giữ đất lúa, cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp về quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách thu mua, chế biến... để tạo điều kiện, khuyến khích nông dân thấy có lợi, tự nguyện cấy lúa, hơn là việc quy định cứng nhắc giữ đất lúa như hiện nay.  

Thanh Hóa sẽ ổn định hơn 138 nghìn ha đất lúa đến năm 2020 và quan điểm của tỉnh là "sử dụng linh hoạt đất trồng lúa". Ngoài tập trung thâm canh tăng cao năng suất, sản lượng các loại cây trồng, từ năm 2008 đến nay Thanh Hóa triển khai xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Ðến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 55 nghìn ha vùng thâm canh lúa chất lượng, hiệu quả cao; năng suất lúa bình quân ở vùng lúa thâm canh đạt 65,7 tạ/ha. Với sản lượng lương thực đã đạt hơn 1,6 triệu tấn/năm, Thanh Hóa bảo đảm cân đối nhu cầu lương thực trong tỉnh. Theo đó, trên cơ sở quy hoạch ổn định đất lúa, tỉnh chuyển diện tích đất khó tưới, trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng ngô, lạc, rau màu cao cấp, mở rộng diện tích trồng cây vụ đông, tăng hệ số sử dụng ruộng đất, giảm dần diện tích trồng lúa trên đồi, núi có độ dốc từ 15 độ trở lên để bố trí trồng cây lâm nghiệp, tập trung thâm canh cây mía, sắn nguyên liệu, thực hiện đồng bộ các giải pháp như đổi mới cơ cấu giống, thực hiện cày sâu bón vôi, ứng dụng công nghệ tưới thấm, cơ giới hóa đồng bộ nhằm giảm diện tích mía từ 33 nghìn ha xuống còn 30 nghìn ha, sắn từ 14 nghìn ha xuống còn 10 nghìn ha nhưng vẫn bảo đảm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, tăng thu nhập cho nông hộ. Mới đây, HÐND tỉnh cũng đã thông qua chính sách dành khoảng 80 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển vùng sản xuất rau an toàn nhằm định hình 300 ha rau an toàn vào năm 2015.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Ðình Xứng cho rằng: Quy hoạch ổn định đất lúa, an ninh lương thực không nên hiểu theo khái niệm cơ học, nhất thiết là ổn định diện tích trồng lúa hay bình quân lương thực quy ra thóc. Thanh Hóa đã thực hiện hiệu quả việc xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao và chuyển khoảng 2.000 ha sang trồng mía, hoa, rau màu cao cấp. Dù vậy, tính chất thổ nhưỡng, cơ sở vật chất hạ tầng vẫn bảo đảm khả năng tái trồng lúa. Hiện bình quân toàn tỉnh mới đạt 70 triệu đồng/ha canh tác. Tỉnh đang chỉ đạo xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và có khả năng chuyển khoảng 8.000 ha đất lúa cho thu nhập thấp sang bố trí cơ cấu cây trồng khác có tiềm năng cho năng suất, chất lượng cao hơn. Ngành nông nghiệp cần nhanh chóng tái cơ cấu ngành, những nơi không thuận lợi trồng lúa có thể chuyển sang cây trồng khác.

Giúp nông dân chuyển đổi cây trồng

Ðể nâng cao hiệu quả trên mỗi đơn vị diện tích và giúp người nông dân bám ruộng, rõ ràng không thể độc canh cây lúa. Ðất lúa sản xuất không hiệu quả do bất lợi địa hình và tưới tiêu cần được chuyển sang trồng loại cây trồng khác cho thu nhập cao hơn. Mới đây, tại Hội nghị bàn biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả do Bộ NN và PTNT tổ chức tại Phú Thọ, Bộ NN và PTNT đã nêu kiến nghị chuyển đổi 200 nghìn ha đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác cho thu nhập cao hơn. Chuyển đổi đất lúa là chuyển sang trồng cây khác nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân chứ không phải là chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Ðể thực hiện tốt điều này, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa tiến bộ khoa học và các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao vào sản xuất. Song song với đó là hình thành chuỗi sản xuất an toàn khép kín, ổn định đầu ra, tập trung xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp. Trước mắt, ngành nông nghiệp các địa phương sẽ chú trọng vào các loại cây trồng phục vụ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mà lâu nay đang phải nhập khẩu như ngô, đậu tương và lạc... Bộ NN và PTNT cần phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng thông tư hướng dẫn, cho phép sử dụng linh hoạt đất lúa để có thể chuyển đổi sang trồng cây khác có lợi thế hơn, nhưng không làm thay đổi khả năng sản xuất lúa về lâu dài, đồng thời hình thành các vùng sản xuất ngô, đậu tương hàng hóa tập trung...

----------------------------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 16-9-2013.

 


Kỹ sư và cán bộ xã Nga An hướng dẫn nông dân thu hoạch dưa bao tử.

BÀI, ẢNH: TRUNG HÀ, ĐỨC LUẬN VÀ LƯU PHƯỢNG
theo nhandan
 
 
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: mô hình

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 292

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 289


Hôm nayHôm nay : 57609

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 982065

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 71209380