Đến nay, trên địa bàn huyện đạt 100% km đường trục chính đến xã được nhựa hóa
Hiện huyện Phú Tân có 1 xã đạt chuẩn xã NTM (Tân Hòa), 2 xã đạt 14 - 15 tiêu chí, 8 xã đạt 10 - 13 tiêu chí và 5 xã đạt từ 7 - 9 tiêu chí. Không có xã dưới 7 tiêu chí. Bình quân các xã đạt trên 11,19 tiêu chí/xã.
Với sự quan tâm của Đảng, chính quyền và sự nỗ lực của người dân, huyện Phú Tân đã và đang phát triển, bộ mặt nông thôn đổi mới theo hướng văn minh, hiện đại. Sự đổi thay ngày càng rõ nét hơn kể từ khi Phú Tân bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).
Trước đây khi chưa làm NTM, cơ sở hạ tầng nông thôn như giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, điện… trên địa bàn huyện chưa hoàn thiện, các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao chưa phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn thiếu thốn.
Qua 5 năm triển khai chương trình NTM, Phú Tân đã tạo việc làm cho hơn 35.063 lao động, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm. Năm 2015, số hộ nghèo giảm 267 hộ, còn 1.605 hộ, chiếm 2,85%, giảm 0,51% so năm 2014. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng tăng, đạt 59,15% (tăng 16,16% so năm 2011).
Thu nhập bình quân đầu người khoảng 28 triệu đồng (năm 2011 khoảng 23 triệu đồng). Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt hơn 88,62%; tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh theo quy chuẩn của Bộ Y tế đạt trên 78,13%....
Bên cạnh đó, Phú Tân còn xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học- kỹ thuật, tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi...
Đến nay, huyện đã hỗ trợ 85 lớp tập huấn cho 2.218 nông dân và 215 mô hình với tổng kinh phí 1,57 tỷ đồng, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn hàng năm.
Riêng năm 2015, các xã thực hiện hơn 200 công trình như công trình chiếu sáng công cộng; đường giao thông nông thôn; thủy lợi nội đồng; xây cầu nông thôn... với tổng kinh phí trên 125 tỷ đồng. Trong đó, vốn dân đóng góp gần 88 tỷ.
Trong 2 năm 2013 - 2014, Phú Tân triển khai 6 mô hình ngành nghề nông thôn (rèn, máy dập đinh dù, máy bơm nước, may công nghiệp, máy xe nhang, máy vót đũa) cho 6 hộ với số lượng 60 máy các loại, tổng kinh phí 596 triệu, trong đó vốn NTM 50% và vốn dân đóng góp 50%.
Đồng thời, Phú Tân chú trọng công tác tuyên truyền, nhờ đó công tác này đi vào chiều sâu, nội dung thiết thực đáp ứng kịp thời nhu cầu, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, nhiều công trình cơ sở hạ tầng nông thôn được xây dựng, đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
Trong 5 năm qua, tổng nguồn vốn xây dựng NTM của huyện trên 2.247 tỷ đồng, trong đó vốn huy động nhân dân hơn 793 tỷ đồng. Thực hiện 354 công trình gồm 35 cầu nông thôn; trên 109 km đường nông thôn; 4.716 km giao thông thủy lợi nội đồng; nạo vét, gia cố trên 75 km kênh mương; hơn 71 km đường ống cấp nước sinh hoạt; cất mới và sửa chữa 2.253 nhà ở chính sách xã hội; vận động hiến 2,44 ha đất làm nghĩa địa, đường giao thông…
Tuy diện mạo nông thôn có khởi sắc, nhưng chưa theo kịp yêu cầu đổi mới; môi trường nông thôn của Phú Tân chưa có sự thay đổi rõ nét; mức độ huy động nguồn lực chưa đồng đều giữa các xã; một số công trình do vốn ngân sách đầu tư khó khăn, chậm triển khai như trường học, trạm y tế, cơ sở văn hóa... ít nhiều đã ảnh hưởng lộ trình đạt chuẩn xã điểm.
Phú Tân phấn đấu đến 2016 có thêm một xã đạt chuẩn và đến 2020 có 12 xã đạt chuẩn. Theo đó, huyện sẽ chú trọng đặc biệt việc tuyên truyền, đánh giá mức độ hài lòng của người dân để làm cơ sở lập kế hoạch; tăng cường công tác kiểm tra các xã điểm; bám sát phương châm "dễ làm trước, khó làm sau"; ưu tiên các tiêu chí tác động trực tiếp sản xuất, nâng cao thu nhập; quan tâm, giữ vững các tiêu chí đã đạt được; vận động thực hiện các công trình cầu, đường nông thôn từ các nguồn vốn đầu tư của nhà nước làm nguồn đối ứng, như bê tông nối đầu đường cộ với đường nhựa...
Theo: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn