Trở lại miền quê cách mạng Sơn Châu (Hương Sơn) trong những ngày mùa xuân giăng mắc mưa bụi lòng tôi như cũng nhiều tơ vương hơn. Dẫu trên những trục đường chính, dấu ấn của những công trình xây dựng nông thôn mới còn dang dở nhưng khắp nơi đã đỏ rực băng cờ, khẩu hiệu chào mừng ngày thành lập Đảng 3 – 2. Hồi đang học cấp 1, cấp 2 ở Sơn Châu vào những dịp thế này thể nào nhà trường cũng tổ chức cho học sinh đi cổ động khắp các nẻo đường trong xã. Hành trình cổ động của chúng tôi hồi ấy sẽ có 1 điểm dừng chân là đình Tứ Mỹ. Đó là di tích lịch sử không chỉ lưu dấu những tập tục sinh hoạt văn hóa dân gian mà còn chứa đựng những chứng tích tranh đấu sục sôi của nhiều thế hệ người dân Sơn Châu đầu thế kỷ XX. Đó là nơi chi bộ Đảng địa phương được thành lập (6 – 1930) và trở thành nơi gieo hạt nảy mầm đầu tiên của cách mạng Hương Sơn.
Nuôi hươu sao đang là hướng làm ăn kinh tế mới của người dân Sơn Châu |
Thời kỳ đó, tin tức về phong trào đấu tranh của nhân dân toàn tỉnh cũng đã lan nhanh đến Tứ Mỹ, kích thích và cổ vũ phong trào cách mạng nơi đây phát triển… Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, đình làng Tứ Mỹ đã trở thành nơi tập trung đi biểu tình, tranh đấu của nhân dân Tứ Mỹ, Sơn Châu và một phần miền Hạ Hương Sơn. Khi tiếng trống Xô Viết 30 – 31 nổi lên, vùng quê này cũng sớm vang danh bởi tinh thần cách mạng quật khởi của những người con kiên trung như: Trần Đoan, Trần Đoàn, Trần Bình, Đinh Nho Linh… Chân dung những nhân vật này được lưu truyền tại đình Tứ Mỹ suốt nhiều thập kỷ qua và câu chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng của họ là bài học lịch sử sâu sắc cho nhiều thế hệ trẻ trên quê hương Sơn Châu.
Tinh thần cách mạng ấy không chỉ còn phát huy trong nhiều cuộc đấu tranh vệ quốc sau này của nhân dân Sơn Châu mà còn tỏa sáng trong quá trình xây dựng đời sống mới trong thời bình. Đã có một thời, lãnh đạo địa phương gặp nhiều khó khăn khi phải trải tình trạng đói nghèo, lạc hậu kéo dài. Đã có những lúc người lao động cảm thấy bế tắc phải bỏ làng tìm kế sinh nhai. Tuy nhiên với truyền thống kiên trung, với tinh thần vươn lên không ngừng, Đảng bộ Sơn Châu đã từng bước lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn. Nhiều bài toán kinh tế đã được giải với những chính sách phù hợp đã làm cho bộ mặt nông thôn Sơn Châu thay đổi từng ngày. Những mô hình làm kinh tế như nuôi hươu sao, nuôi ong lấy mật, dịch vụ – thương mại… xuất hiện ngày một nhiều… Đời sống kinh tế ổn định, Đảng lại lãnh đạo nhân dân xây dựng đời sống văn hóa. Hưởng ứng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nhiều năm qua, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, Sơn Châu đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng và các thiết chế văn hóa đáp ứng những yêu cầu mới. Ông Nguyễn Hòa – Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Hiện nay 100% xóm xây dựng được nhà văn hóa với hệ thống loa phát thanh hiện đại đầy đủ, nhiều xóm còn có tủ sách, sân bóng đá, bóng chuyền, chúng tôi cũng đã huy động xây dựng được thư viện 5 gian với gần 1000 đầu sách gồm 3000 bản … phục vụ nhu cầu văn hóa, thể thao của nhân dân. Ngoài ra, trạm y tế và trường học cũng được xây dựng theo tiêu chí chuẩn quốc gia với trang thiết bị đầy đủ, hiện đại phục vụ nhu cầu của nhân dân, đến nay 100% trẻ em được đến trường, hàng năm các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân đều được thực hiện đúng và đủ”.
Những kết quả đó đang là động lực, tạo đà cho Sơn Châu hoàn thành vai trò điểm của mình trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới như lời Bí thư Đảng ủy xã đã khẳng định: “Xây dựng NTM ở Sơn Châu không đồng nghĩa với xóa bỏ cái cũ mà dựa trên cái cũ để nâng cấp thành cái mới”. Tin rằng, với truyền thống cách mạng bất khuất, với tinh thần cầu thị, với phương cách khoa học, sáng tạo, Đảng bộ xã Sơn Châu sẽ tiếp tục gặt hái những thành công trong thời kỳ mới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn