Xác định giao thông là mũi đột phá, từ năm 2010-2015, huyện Thạch Hà đã chọn 2 năm (2012, 2013) làm “năm giao thông” để tạo cú hích phát triển. Ưu tiên nguồn lực, ban hành cơ chế, chính sách, đẩy mạnh công tác dân vận là những cách làm Thạch Hà đã áp dụng để tạo nên bộ mặt mới cho GTNT.
Cán bộ Huyện ủy Thạch Hà tham gia san lấp lề và đổ nền đường giao thông nông thôn ở xã Tượng Sơn.
Từ 2010-2015, nhân dân toàn huyện đã làm nên những con số ấn tượng, vượt xa chỉ tiêu tính toán từ đầu nhiệm kỳ: làm mới 676 km đường nhựa, bê tông nông thôn, trong đó, đường GTNT 452,2 km (bằng 226,1% chỉ tiêu đại hội); 84 km kênh mương bê tông nội đồng (bằng 168%). Về nấc thang biến động, từ chỗ năm 2010 chỉ làm được 65,8 km đường bê tông, đến 2012, con số này đã “nhảy” lên 136,5 km rồi tiếp tục tăng và đạt 147,902 km vào năm 2015.
Theo ông Trần Quốc Việt - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện: 2015 là năm có nhiều dấu ấn trong phong trào làm giao thông cả về khối lượng và chất lượng. Huyện thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng biện pháp thi công, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, nếu không đạt chất lượng sẽ không tiến hành nghiệm thu công trình. Đây là kết quả được các cấp đánh giá cao và giành phần thưởng.
Song song với phát triển đường bê tông nông thôn, xây dựng hệ thống cầu, cống các loại, toàn huyện đã phát động hàng trăm đợt ra quân giải tỏa hành lang ATGT. Theo tổng hợp của Văn phòng UBND huyện, từ đầu năm 2015 đến tháng 1/2016, toàn huyện giải tỏa gần 410 km hành lang, đào đắp trên 30.400 m3 nền đường. Những ngày đầu năm 2016, 31/31 xã trên địa bàn đều tổ chức ra quân trồng cây tại các trục đường và phát động làm giao thông, thủy lợi.
Là người đứng đầu đơn vị được UBND tỉnh tặng bằng khen năm 2015, Chủ tịch UBND xã Thạch Xuân - Nguyễn Huy Hà phấn khởi: “Để làm được 8,2 km đường bê tông trong năm 2015 (trong đó, 6,4 km do nhân dân làm), từ năm 2014, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác vận động người dân giải tỏa hành lang theo quy hoạch nông thôn mới. Năm đó, gần 800 hộ tự nguyện hiến 56.000 m2 đất để làm đường. Với cơ chế hỗ trợ xi măng của cấp trên và xã hỗ trợ một phần máy móc, thiết bị, nhân dân phấn khởi đóng góp ngày công, vật liệu để xây dựng.
Tổng số đường giao thông theo khảo sát năm 2010 là 46 km, bởi vậy, chúng tôi phải phấn đấu bình quân mỗi năm làm 4-5 km. Nhờ sự quyết tâm này nên bộ mặt thôn xóm thay đổi, địa hình đồi núi trước đây nay khá thuận lợi, tạo điều kiện để người dân xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt”.
Giao thông phát triển đến đâu sẽ tạo điều kiện cho kinh tế phát triển đến đó - thực tế này đang được chứng minh trên huyện thuần nông Thạch Hà. Tỏa theo các cung đường, các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ ngày càng xuất hiện nhiều; cùng với đó, nhiều mô hình kinh tế như nuôi lợn, tôm, bò, trồng rau - củ - quả được xây dựng. Các địa phương có dịch vụ phát triển hầu hết đều thuận tiện về giao thông như Thạch Tân, Thạch Long, Phù Việt, kể cả một số địa phương vùng biển như Tượng Sơn, Thạch Khê… Điều này cho thấy, khởi sắc từ giao thông không chỉ tạo nên bộ mặt các làng quê, kết nối thuận tiện các vùng trà sơn - đồng bằng - ven biển mà còn tạo cơ hội lớn để phát triển kinh tế, đem lại nguồn thu cho người dân.
Trung Dân
theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn