Vụ tôm xuân hè ở Xuân Phổ (Nghi Xuân) đạt năng suất, sản lượng cao. |
Về Cẩm Xuyên vào giữa tháng 7, trên khắp những đầm tôm thâm canh, các chủ đầm tất bật kéo tôm để kịp xuất bán cho thương lái. Tại vùng nuôi tôm công nghệ cao trên cát ở xã Cẩm Dương, không khí lao động rất khẩn trương, người người hối hả chuyền tay nhau những rổ tôm đầy ắp, tiếng nói cười rôm rả...
Anh Dương Chí Dũng - chủ đầm tôm ở đây phấn khởi: Hơn 4 năm gắn bó với con tôm nhưng trước đây tôi chủ yếu nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến ao đất lót bạt, vụ được, vụ mất. Năm nay, tôi mạnh dạn góp vốn đầu tư cùng 2 hộ nữa thành lập tổ hợp tác nuôi tôm với diện tích 3 ha, chia thành 5 hồ nuôi công nghệ cao. Vào đầu vụ nuôi, thời tiết bất lợi, nhưng nhờ đầu tư bài bản, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, đặc biệt ổn định màu tảo khuê, hạn chế được dịch bệnh nên tôm nuôi đạt hiệu quả cao... Sau hơn 70 ngày xuống giống, vụ nuôi xuân hè cho thu hoạch, sản lượng đạt gần 25 tấn tôm thương phẩm. Trừ chi phí, tổ hợp lãi hơn 1,5 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 9 lao động với thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/người/ tháng. Hiện tại, chúng tôi đang thuê máy móc cải tạo, phơi đáy ao chuẩn bị nuôi vụ tiếp theo.
Rời Cẩm Dương, chúng tôi sang vùng nuôi trồng thủy sản Hà Lầm của HTX Hải Minh, xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh). Mặc dù đã thu hoạch xong nhưng các xã viên vẫn tranh thủ thu vét được hơn 5 tạ tôm. Chủ nhiệm HTX Thái Minh Hiền cho biết: “Vụ xuân hè năm nay, giống tôm chất lượng khan hiếm, “cung không đủ cầu” nên chúng tôi phải vào tận các tỉnh phía Nam tìm mua con giống về thả. Mặc dù nuôi tôm trên ao đất lót bạt nhưng sản lượng tôm của HTX đạt khá cao, 6 ao thả nuôi thu hoạch 39 tấn tôm thương phẩm, lãi hơn 1,5 tỷ đồng sau 80 ngày nuôi”.
Thành công của HTX Hải Minh trong nhiều năm qua là nhờ nuôi tôm theo công nghệ vi sinh đảm bảo môi trường ao nuôi. Sử dụng ao lắng trước khi bơm nước vào ao nuôi là yếu tố quan trọng cho tôm phát triển, tăng năng suất, sản lượng.
Bước vào vụ tôm xuân hè năm nay, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đối mặt với không ít khó khăn khi giống chất lượng khan hiếm, giá tăng cao. Dịch bệnh ở tôm xuất hiện sau 1 tháng xuống giống tại một số địa phương làm hơn 56 ha bị bệnh gan tụy, đốm trắng. Chưa hết, đến kỳ thu hoạch, tôm lại “rớt giá”, không ổn định, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người nuôi. Tuy nhiên, theo ông Lưu Quang Cần – Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản: Mặc dù đầu vụ gặp khó khăn nhưng đến nay, hầu hết diện tích nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao trên cát đều được mùa, hiệu quả kinh tế cao. Bởi, các vùng nuôi này thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật cải tạo ao đầm, chọn con giống chất lượng, thả đúng mật độ, giữ gìn vệ sinh môi trường, chăm sóc và phòng chống dịch bệnh cho tôm. Mặt khác, giá tôm vào kỳ thu hoạch đại trà ngày một tăng nên nhiều chủ đầm lãi lớn. Nếu như đầu vụ, tôm chân trắng giá bình quân chỉ đạt từ 100.000 - 110.000 đồng/kg thì đến nay tăng lên 140.000 đồng/kg. Sản lượng tôm cả vụ trong toàn tỉnh vẫn ổn định nên vụ nuôi xuân hè năm nay khá thành công.
Cũng theo ông Cần, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch khoảng 60% diện tích tôm nuôi, sản lượng đạt hơn 1.500 tấn. Trong đó, tôm sú 200 tấn, tôm thẻ hơn 1.300 tấn. Dự kiến, đến cuối tháng 8, thu hoạch xong toàn bộ diện tích ước tính tổng sản lượng gần 3.000 tấn tôm các loại.
Thành công lớn nhất của vụ tôm xuân hè là số lượng các tổ chức, cá nhân đầu tư nuôi tôm trên cát và chuyển đổi hình thức từ nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang công nghiệp, công nghệ cao tăng lên rõ nét. Đầu năm đã có 130 ha được đầu tư nuôi trên cát và chuyển đổi sang nuôi thâm canh, nâng diện tích nuôi tôm trên cát từ 43 ha lên 90 ha; nuôi thâm canh, công nghệ cao lên 430 ha. Phong trào nuôi tôm ở tỉnh ta đang phát triển sôi nổi, mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Hữu Trung
Nguồn: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn