Kiểm soát chặt từ “cửa ngõ”
Tết Nguyên đán năm nay diễn ra trong bối cảnh nhiều địa phương vừa trải qua đợt dịch tả lợn châu Phi hoành hành. Do đó, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) đối với loại thực phẩm này được kiểm soát chặt chẽ nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ buôn bán các loại thịt không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thịt nhập lậu vào địa bàn thành phố.
Rạng sáng, các cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn đã tấp nập vào ra. Đây được xem là “cửa ngõ” quan trọng để kiểm soát mặt hàng thiết yếu phục vụ tết. Theo đánh giá, mặc dù tết đã cận kề nhưng số lượng giết mổ vẫn tăng không đáng kể.
Ông Dương Công Long (thành viên HTX dịch vụ giết mổ gia súc tập trung Thạch Đồng) cho biết: “Đối với chúng tôi, khâu nhập hàng trước khi đưa vào lò mổ được quan tâm đặc biệt để lựa chọn sản phẩm tốt nhất cung cấp cho thị trường. Theo đó, lợn được nhập ở cơ sở uy tín, có giấy tờ đầy đủ, kiểm tra cảm quan thấy lợn khỏe. Hơn nữa, ở cơ sở có cán bộ thú y túc trực, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên nên sản phẩm sau giết mổ là sản phẩm sạch, an toàn.”
Trong khi đó, các sản phẩm từ thịt bò, thịt trâu lại tăng đáng kể. Theo khảo sát tại cơ sở giết mổ tập trung ở phường Tân Giang của ông Trần Hữu Hà, dịp này, cơ sở giết mổ trung bình khoảng 20 con bò/ngày. Hiện cơ sở đang thực hiện quy trình giết mổ treo, công tác vệ sinh trong giết mổ cơ bản đảm bảo an toàn trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Khu vực chợ nông sản ở chợ trung tâm TP Hà Tĩnh được xem là chợ đầu mối cung cấp rau, củ, quả cho toàn địa bàn thành phố những ngày cận tết tấp nập hơn thường lệ. Chợ họp từ 0 - 4h sáng, lượng hàng hóa đổ về chợ từ khắp mọi miền. Những ngày thường, lượng hàng hóa nhập về dao động khoảng 30 – 35 tấn rau, củ/ngày nhưng những ngày tết tăng lên từ 50 -60%. Bên cạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của tiểu thương từ việc lựa chọn nhập hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, các đơn vị liên quan đã thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật.
“Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Ban Quản lý Chợ TP Hà Tĩnh đã giám sát, kiểm tra các xe nhập hàng, các sạp bán của từng tiểu thương và đề nghị cung cấp hóa đơn chứng từ chứng minh sản phẩm có nguồn gốc. Điều đáng mừng, qua kiểm tra, cơ bản hàng hóa, đặc biệt là hàng rau, củ nhập về đều xuất trình được giấy tờ theo quy định” – Đội trưởng Đội QLTT số 1 Dương Hồng Lam cho biết.
Siết chặt thanh tra, kiểm tra
Nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn được đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành triển khai bài bản.
Trong đợt này, đoàn tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến các mặt hàng thực phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp tết và mùa lễ hội như sản phẩm làm từ thịt, bia rượu, bánh kẹo, rau, củ, quả và dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn… Đặc biệt, chú trọng những có cơ sở có nguy cơ mất ATTP như các đầu mối sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chợ dân sinh, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm…
Theo đó, đoàn đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật hiện hành. “Trong quá trình kiểm tra, đoàn sẽ nhắc nhở các cơ sở chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATTP, lập biên bản xử lý các trường hợp vi phạm.
Đồng thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền các phường, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm cho chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm và người dân trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…” – Trưởng phòng Y tế TP Hà Tĩnh Dương Đăng Ngọc cho hay.
Tuy vậy, càng gần đến thời điểm tết, các loại hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng càng có cơ hội trà trộn vào thị trường. Do đó, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, người dân khi mua sắm tết cần “tỉnh táo” hơn trong lựa chọn hàng hóa, tránh mua ở các điểm bán hàng tự phát, hàng trôi nổi đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân, gia đình…
Theo: An Nhiền/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn