Xây dựng cánh đồng lớn nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa, tạo ra sản phẩm đồng nhất từ sản xuất đến tiêu thụ.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng - giải pháp chiến lược
Trong số các giải pháp ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn của vụ sản xuất 2016 thì chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xem là giải pháp chiến lược và bền vững nhất. Thực tế đây không phải là lần đầu tiên các địa phương bàn đến chuyện chuyển đổi diện tích lúa không chủ động tưới sang các cây trồng khác. Nhưng hiếm có năm nào, phương án chuyển đổi phải thực hiện ngay trong vụ xuân.
Ông Ngô Đức Hợi - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: “Kể cả 53.700 ha được đảm bảo tưới thì đến cuối vụ vẫn phải tính đến việc chống hạn cho 800 - 1.000 ha. Trong trường hợp lượng mưa chỉ bằng 50-70% so với trung bình nhiều năm, thì những diện tích ở vùng cao cưỡng, cuối kênh thủy lợi cũng không thể đủ nước gieo cấy. Số diện tích này nên chuyển đổi sang cây trồng khác để dành nước cho dân sinh và vụ hè thu 2016”.
Vựa lúa Cẩm Xuyên, nơi tập trung diện tích lúa xuân vào loại lớn nhất tỉnh. Hằng năm, địa phương này có khoảng 8.700–9.000 ha lúa xuân nhờ có địa hình thuận lợi, vùng tiểu khí hậu phù hợp, cộng với tập quán canh tác thâm canh. Tuy nhiên, với diễn biến thời tiết phức tạp như hiện nay, vựa lúa phía Nam của tỉnh cũng phải ứng phó bằng việc chủ động giảm diện tích. Ông Trần Hữu Duyệt - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Năm nay, Cẩm Xuyên chuyển 602 ha lúa sang trồng cỏ và ngô nguyên liệu. Cùng với đó, bố trí các loại giống phù hợp với 3 vùng canh tác: ven biển, trung tâm và vùng đồi, đảm bảo chống hạn hiệu quả và tăng cao giá trị sản phẩm hàng hóa lúa gạo”.
Đối với vụ xuân thì Lộc Hà là một trong những “điểm đen” thiếu nước tưới. Hồ Khe Hao, ngoài phục vụ tưới cho 500 ha lúa còn đảm nhiệm cung cấp nước sinh hoạt cho nhà máy nước Thạch Bằng (công suất 4.000 m3/ngày đêm). Với lượng nước chưa đến 1 triệu m3 như hiện nay (bằng 1/4 dung tích) thì khó lòng đảm nhiệm được 2 vai trò. Chủ trương của ngành nông nghiệp là khuyến cáo Lộc Hà nên chuyển đổi ít nhất 200 ha lúa từ vụ xuân này để phòng thiếu nước ở cuối vụ. Tất nhiên, chính quyền phải có sự vào cuộc quyết liệt ngay từ đầu bởi không ít nông dân vẫn gieo cấy bình thường khi tận dụng được nguồn nước trời đầu vụ.
Vùng sản xuất hành lá 3,2 ha của xã Tượng Sơn được chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả. |
Mở rộng cánh đồng lớn
Vụ xuân 2015, 2 “đầu tàu” Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh và Công ty TNHH Giống và Vật tư nông nghiệp Mitraco được xem là “hạt nhân” của chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ. Bà Võ Thị Hồng Minh - Giám đốc Công ty CP Giống và Cây trồng Hà Tĩnh cho biết: “Bên cạnh cung ứng các loại giống nằm trong bộ giống chủ lực của tỉnh thì năm nay, công ty xây dựng sản xuất theo cánh đồng lớn khoảng 1.000 ha liên kết với nông dân tại Kỳ Anh, Đức Thọ, Cẩm Xuyên. Trong đó, mỗi cánh đồng lúa thương phẩm có diện tích tối thiểu 50 ha và cánh đồng giống 5 ha, tùy vào quy hoạch của địa phương”.
Trở lại Cẩm Xuyên, địa phương này đang xây dựng định hướng sẽ tích tụ ruộng đất khoảng 6.000 ha dành cho lúa chất lượng cao.
Hay ở Đức Thọ, với hạ tầng, vùng quy hoạch có sẵn, vụ xuân này cũng sẽ triển khai các cánh đồng chất lượng. Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Hai cánh đồng làm điểm là P6 ở Đức Thủy 181 ha và xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp thương phẩm, an toàn tại Trung Lễ (53 ha) liên kết với Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh. Riêng tại Trung Lễ, huyện hỗ trợ che phủ ni lông, chế phẩm sinh học và dụng cụ phục vụ sản xuất cho bà con nông dân”.
Theo kế hoạch, mỗi địa phương sẽ xây dựng những cánh đồng lớn đảm bảo tiêu chí 1 giống, 1 quy trình canh tác và 1 sản phẩm đồng nhất. Tất nhiên, điều quan trọng là các địa phương phải chủ động và “lường” được “chiếc áo” mình đang mang, nếu không muốn bị lâm vào tình cảnh như những năm trước.
Theo Nguyễn Oanh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn