Những năm qua, tình hình ANNT trên địa bàn tỉnh ta có nhiều diễn biến phức tạp, tác động xấu đến sự phát triển chung. Trong đó, nổi lên là tình hình khiếu kiện liên quan đến đền bù, GPMB các công trình, dự án như: Formosa (Kỳ Anh), khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Thạch Hà), thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (Vũ Quang); một số vụ khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện các chế độ, chính sách, xã hội, quản lý kinh tế, đất đai ở cơ sở như: thực hiện chế độ thương binh, dân công hỏa tuyến, TNXP; tranh chấp đất rừng. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh còn phát sinh các vụ khiếu kiện liên quan đến chủ trương sáp nhập trường tại xã Đức Lâm (Đức Thọ), chuyển đổi đất rừng trồng cao su tại xã Hương Giang (Hương Khê)…
Cán bộ, chiến sỹ Công an TP Hà Tĩnh giúp nhân dân xã Thạch Đồng làm đường GTNT. Ảnh: Trần Phong |
Nguyên nhân các vụ việc trên là do một số chế độ, chính sách về đất đai, đền bù, thu hồi đất, GPMB, tái định cư (TĐC), chính sách về người có công… chưa theo kịp sự phát triển của xã hội. Công tác tuyên truyền, vận động tại một số nơi triển khai các công trình, dự án chưa sâu rộng; việc công khai trong công tác đền bù, minh bạch trong thực hiện chính sách chưa được thực hiện đến nơi đến chốn. Bên cạnh đó, khi quần chúng nhân dân thắc mắc, một số cán bộ chưa xem xét thấu đáo để giải quyết. Một bộ phận công dân nhận thức còn hạn chế, không được tiếp cận và hiểu biết một cách đầy đủ về chính sách, pháp luật nên khiếu nại, tố cáo thiếu cơ sở, không chấp nhận kết quả giải quyết của cơ quan chức năng. Cá biệt, một bộ phận nhân dân bị các phần tử xấu xúi giục, kích động nên khiếu kiện thiếu căn cứ.
Trước tình hình đó, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thời gian qua, lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động nắm tình hình, điều tra các địa bàn, vụ việc, đối tượng, các mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong nội bộ nhân dân. Đồng thời chủ động phối hợp với các ngành liên quan làm rõ nguyên nhân, động cơ, thành phần khiếu kiện; tìm hiểu quy trình giải quyết, tâm tư nguyện vọng của các đầu đơn trong từng việc cụ thể. Từ đó, tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành văn bản, chỉ thị để chỉ đạo các cơ quan, ban ngành giải quyết những vấn đề phức tạp. Đối với những trường hợp phải cưỡng chế để GPMB, công an đã tham mưu cho chính quyền đảm bảo tiến hành đúng quy định của pháp luật và có phương án đảm bảo ANTT, tổ chức bảo vệ an toàn các vụ cưỡng chế. Ngoài ra, Công an tỉnh thường xuyên chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các địa phương nắm chắc diễn biến tình hình các địa bàn và những vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp khiếu kiện. Qua đó, đối với nội dung kiến nghị, khiếu nại chính đáng của người dân thì tham mưu, hướng dẫn để các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời. Trường hợp các đối tượng cầm đầu quá khích, lợi dụng tình hình để kích động, lôi kéo quần chúng nhân dân khiếu kiện gây phức tạp tình hình, thì tiến hành gặp gỡ, giáo dục, răn đe, thu thập tài liệu, chứng cứ, xử lý nghiêm.
Gần đây, quá trình GPMB quốc lộ 15A, có 7 hộ dân ở xóm 8, xã Hà Linh (Hương Khê) không chịu phối hợp với cơ quan chức năng, không nhận tiền đền bù, cản trở đơn vị thi công, khiếu kiện vượt cấp. Trước tình hình đó, lực lượng công an phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động các hộ dân chấp hành chủ trương, chính sách; đồng thời củng cố hồ sơ tiến hành cưỡng chế gia đình bà Lê Thị Lý. Trước những hành động cương quyết của các cơ quan chức năng, các hộ dân còn lại đã chấp hành, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Thượng tá Hoàng Văn Hòa - Phó Trưởng phòng PA88 (Công an tỉnh) cho biết: “Tình hình ANNT ngày càng phức tạp, các vụ khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến đất đai. Để giải quyết các vụ việc mâu thuẫn, khiếu kiện, chúng tôi luôn coi trọng vấn đề đối thoại. Đối thoại với dân là một trong những biện pháp tốt nhất để tìm ra cách giải quyết có hiệu quả”.
Riêng ở Kỳ Anh, để phục vụ các công trình, dự án trọng điểm, huyện đã phải di dời, TĐC hàng ngàn hộ dân, nhà cửa, các công trình thờ tự, phần mộ,… nên tình hình ANNT tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, dễ phát sinh khiếu kiện. Đại tá Đặng Hoài Sơn - Trưởng Công an huyện cho biết: Để đảm bảo ANNT, Công an huyện đã chỉ đạo CBCS nắm tình hình ở cơ sở, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến TĐC, GPMB, tập trung giải quyết những khiếu nại, vướng mắc trong áp giá đền bù; phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ…
Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an đã tham gia giải quyết ổn định hàng chục vụ liên quan đến vấn đề ANNT, trong đó có nhiều vụ khá phức tạp như: việc khiếu nại trả lại đất nông nghiệp của một số hộ dân đối với xã Thạch Mỹ (Lộc Hà); nhân dân thôn Bà Đồng - xã Kỳ Phương (Kỳ Anh) không đồng tình trong việc bố trí TĐC; một số người thuộc dân công hỏa tuyến khiếu nại việc làm hồ sơ mà chưa nhận được chế độ, chính sách… qua đó, tạo sự ổn định tại các địa phương.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, trong đó nòng cốt là ngành công an, thời gian qua, tình hình ANNT trên địa bàn cơ bản được đảm bảo, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, TTATXH, tạo điều kiện phát triển bền vững.
Vũ Viễn
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn