Bởi để được công nhận "sự kiện" này là cả nỗ lực lớn của cán bộ và nhân dân trong thôn. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, đội ngũ cán bộ cấp ủy, ban cán sự thôn, trưởng các đoàn thể "đi từng ngõ, gõ từng nhà" phát động thi đua, đăng ký cam kết thực hiện nội dung, tiêu chí xây dựng "Thôn kiểu mẫu NTM"... Nhờ vậy, đời sống của người dân Đông Lâm đã được cải thiện nâng cao và không còn hộ nghèo theo tiêu chí mới, thu nhập bình quân đầu người hiện nay hơn 38,5 triệu đồng/năm, cao hơn mức thu nhập bình quân đầu người của toàn xã 4,8 triệu đồng.
|
Mô hình phát triển kinh tế của chủ hộ Trương Ngọc Sơn đã trở thành điểm tham quan, học tập. |
Trong ký ức của cụ Lê Cước (100 tuổi), thôn Đông Lâm được hình thành từ hai làng Đông Bích, Lâm Viên. Hằng năm, các lễ hội đình làng đều được tổ chức theo nghi thức truyền thống dân tộc nhằm giáo dục các thế hệ con cháu gắn bó, tình làng nghĩa xóm ngày càng thắt chặt. Nói về công cuộc xây dựng NTM ở quê hương, cụ Cước cho biết, khi đó, địa phương mới đạt 10/19 tiêu chí, việc huy động vật chất, kinh phí làm NTM đã khó nhưng không khó bằng thay đổi nhận thức của người dân miền núi. Các chương trình, dự án tại địa phương từ trước đến giờ đều được tài trợ, do đó một bộ phận người dân có tư tưởng ỷ lại. Vì vậy, chuyện thay đổi nhận thức đối với người dân được lãnh đạo xã, các cấp hội, đoàn thể quan tâm thực hiện đầu tiên. Điều quan trọng là phải làm cho dân tin và người dân hiểu được xây dựng NTM là bà con mình được hưởng lợi. Song, để có mặt bằng mở rộng các tuyến giao thông nông thôn lại cần rất nhiều đến công sức của người dân; trong đó, nhiều tuyến đường băng qua đất ở, đất canh tác hoa màu đã gắn bó bao đời nay với người nông dân...
Ông Nguyễn Văn Bảo - Trưởng thôn Đông Lâm nhớ lại, lúc đầu lo lắm, vì đó là miếng cơm manh áo của bà con, trong khi thôn vẫn còn nhiều hộ nghèo, khó khăn. Vậy mà chẳng cần vận động nhiều, chỉ nghe về chủ trương, ý nghĩa của con đường, bà con đã hồ hởi đồng lòng hưởng ứng hiến 9.727m2 đất các loại, đóng góp hơn 1.000 ngày công để mở rộng 3 trục đường chính rộng 5,5m với tổng chiều dài 4,4km và nhiều nhánh giao thông kiệt xóm khác; trong đó phải kể đến gia đình bà Lê Thị Long hiến 500m2 đất để xây dựng khu văn hóa thôn; các hộ Lê Thị Trang, Phạm Văn Vinh mỗi hộ hiến 300m2 đất mở đường... Ngoài ra, địa phương còn vận động người dân, con cháu xa quê đóng góp hơn 120 triệu đồng để nâng cấp, tu sửa các đình làng, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, trồng cây xanh tạo cảnh quan trên các tuyến đường liên thôn...
Và để xây dựng hiệu quả thôn văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền, người dân Đông Lâm đã cùng nhau xây dựng quy ước với mục tiêu 100% các hộ gia đình được vận động ký cam kết thực hiện tốt các nội dung trong quy ước như: cùng nhau trao đổi kinh nghiệm phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình, giúp nhau làm giàu chính đáng; 100% các em trong độ tuổi đi học phải được đến lớp đến trường, động viên khuyến khích kịp thời đối với học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập; tổ chức việc cưới, tang theo quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, phong trào giúp đỡ các gia đình chính sách neo đơn, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự luôn được người dân đồng tình thực hiện... Có thể nói, việc hưởng ứng và thực hiện xây dựng thôn kiểu mẫu NTM đã góp phần thay đổi diện mạo thôn, xóm và cả ý thức người tham gia. Con người thân thiện với nhau hơn, ý thức được trách nhiệm của mình với cộng đồng. Ai có sức góp sức, ai có của góp của, cùng với chính quyền thực hiện nhiều hoạt động thiết thực để từng bước thay đổi diện mạo quê hương một cách toàn diện và bền vững.
Bên cạnh việc đưa địa phương của mình trở thành "kiểu mẫu" về hình ảnh, Đông Lâm còn quyết liệt xây dựng các mô hình vườn hộ kiểu mẫu, tạo thu nhập cho các hộ dân. Chủ hộ trang trại Trương Ngọc Sơn cho biết, ban đầu, gia đình ông có ý định thực hiện theo chủ trương của thôn quy hoạch lại vườn để bảo đảm các yếu tố xanh, sạch, đẹp, đáp ứng tiêu chí chung của khu dân cư NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, khi được Nhà nước hỗ trợ, gia đình ông quyết định đầu tư thêm 2 tỷ đồng để phát triển kinh tế theo mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, sản phẩm từ trang trại rau, quả sạch của ông đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và là điểm đến của du khách và các đoàn tham quan học tập... Chia sẻ về "bí quyết" thành công của thôn Đông Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Thị Lý xác nhận, trong quá trình thực hiện, các cá nhân là đảng viên, tổ trưởng, đứng đầu các đoàn thể trong thôn phải gương mẫu thực hiện; gương mẫu hiến đất, hiến cây khi giải tỏa để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội làm đẹp đường làng, ngõ xóm; từ đó từng bước vận động nhân dân đồng tình ủng hộ. Từ một miền quê khó khăn, các hộ gia đình chủ yếu để trống đất vườn hoặc vườn tạp không có hiệu quả kinh tế, chỉ sau 2 năm phát động thực hiện xây dựng các tiêu chí "Thôn kiểu mẫu NTM", Đông Lâm đã trở thành một điểm sáng đáng học tập và trở thành một miền quê "đáng sống".
Theo Vy Hậu/cadn.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn