Thị xã Hồng Lĩnh là địa bàn phù hợp để đón các dự án đầu tư thuộc ngành da giày, dệt may...
UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công Thương, Hiệp hội Da giày Việt Nam có khảo sát thực tế tại Hà Tĩnh và nghiên cứu, bổ sung một số dự án liên quan đến lĩnh vực da giày tại khu vực thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh vào Đề án "Điều chỉnh Quy hoạch ngành Da - giày Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035" và bổ sung vào "Danh mục các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025".
Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh hội tụ đủ các điều kiện cho Quy hoạch phát triển ngành Da giày Việt Nam.
Lý giải về vấn đề này, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Thị xã Hồng Lĩnh là trung tâm kinh tế - xã hội khu vực phía Bắc tỉnh Hà Tĩnh, có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên trục giao thông Quốc lộ 1A và Quốc lộ 8A, có kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước, thương mại dịch vụ và quỹ đất đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về thu hút đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, thuận lợi cho việc triển khai các dự án lĩnh vực Da giày và các lĩnh vực khác có sử dụng nhiều lao động.
Sản phẩm da giầy, dệt may thuộc nhóm ngành công nghiệp nhẹ, được Chính phủ ưu tiên hỗ trợ phát triển theo Nghị định 111 năm 2015.
Đây là các nhóm ngành công nghiệp giải quyết nhiều việc làm và có giá trị xuất khẩu cao. Trong "Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020", UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng xác định thị xã Hồng Lĩnh sẽ là trung tâm các dự án công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày.
Những năm gần đây, một số doanh nghiệp dệt may, trong đó có Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã dịch chuyển đầu tư về Hồng Lĩnh, với một loạt dự án may xuất khẩu, các nhà máy sợi...
Trong đó, Tổng công ty cổ phần Dệt May Hà Nội (Hanosimex) hiện đã triển khai một chuỗi các dự án, trong đó có các dự án sản xuất vải dệt kim, dệt nhuộm, hoàn tất, nhà máy may, tại Cụm công nghiệp Nam Hồng, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, TP.Hà Tĩnh.
Cụ thể, Hanosimex đang thực hiện tới 4 nhà máy sản xuất tại Hồng Lĩnh, bao gồm: Nhà máy May Hồng Lĩnh 1 có mức đầu tư 110 tỷ đồng; Nhà máy May Hồng Lĩnh 2 có mức đầu tư 80 tỷ đồng; Nhà máy Dệt khăn Hồng Lĩnh có mức đầu tư 314 tỷ đồng; Nhà máy Dệt nhuộm và Dệt kim Hồng Lĩnh có mức đầu tư 410 tỷ đồng với công suất 1.400 tấn/năm...
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn