Đa dạng tiềm năng
Nằm trên các trục giao thông quan trọng mang tính chiến lược và liên kết vùng, Hà Tĩnh hiện có 2 khu kinh tế Khu kinh tế (KKT): Vũng Áng và Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo); có cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương với 59 cầu cảng thiết kế cho tàu 20 - 30 vạn tấn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là một trong ba đầu mối giao thương biển quốc tế của Việt Nam. Đây là điều kiện lý tưởng để các nhà đầu tư phát triển các dự án công nghiệp phụ trợ.
Trên tuyến du lịch xuyên Việt, Hà Tĩnh là điểm đầu của tuyến du lịch “Con đường Di sản miền Trung”; là một trong những cửa ngõ quan trọng của không gian du lịch hành lang Đông - Tây qua hệ thống quốc lộ 8A, 12A sang nước Lào và Thái Lan. Với lợi thế về du lịch biển, danh thắng và truyền thống lịch sử, văn hóa Hà Tĩnh đầy tiềm năng trong đầu tư, hợp tác phát triển du lịch.
Hà Tĩnh còn được biết đến là vùng đất giàu tài nguyên, khoáng sản, tiềm năng phát triển rừng đồi rất lớn… Đây là những tiềm năng, lợi thế cho đầu tư phát triển công nghiệp khai khoáng, chế biến gỗ, kinh tế trang trại, sản xuất nước khoáng, phát triển các điểm nghỉ dưỡng kết hợp du lịch sinh thái và du lịch thể thao.
Với những tiềm năng, lợi thế hiện có, cùng với những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, Hà Tĩnh thực sự là điểm đến hấp dẫn và an toàn đối với các nhà đầu tư.
Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp
Phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, cùng với chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, trong những năm qua, KT-XH Hà Tĩnh tiếp tục phát triển toàn diện. Với phương châm "chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp", tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp giữa chính quyền và doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của địa phương với nhà đầu tư; ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phù hợp, từ đó đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội cũng như triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư trên địa bàn.
Năm 2017, Hà Tĩnh xếp hạng thứ 33 cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và đứng thứ 12 cả nước về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Sự nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong những năm qua đã tạo điều kiện cho Hà Tĩnh thu hút nguồn vốn FDI lớn.
Đến nay, Hà Tĩnh đã có 806 dự án đầu tư trên địa bàn, trong đó có 735 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn là 106.921 tỷ đồng và 71 dự án đầu tư nước ngoài (12 nước) với tổng số vốn đăng ký hơn 11,995 tỷ USD. Nhiều dự án lớn của các tập đoàn ngoài nước đã hoàn thành và đi vào hoạt động (dự án Nhà máy Thép - Cảng nước sâu Sơn Dương của Formosa, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, cảng Việt - Lào...) phát huy hiệu quả, giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh.
Hà Tĩnh đang triển khai rà soát điều chỉnh “Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó, tập trung thu hút đầu tư theo hướng ưu tiên các dự án có sản phẩm chứa hàm lượng giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; đa dạng hóa huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; xây dựng KKT Vũng Áng sớm trở thành KKT động lực tầm cỡ quốc gia, quốc tế.
Hà Tĩnh đã thành lập Trung tâm hành chính công và Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư tỉnh. Đây là đầu mối tập trung để các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh hướng dẫn, tiếp nhận, phối hợp giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính và trả kết quả cho người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư. 100% các thủ tục hành chính có liên quan đến tổ chức, doanh nghiệp được giải quyết tại trung tâm hành chính công và được công khai một cách minh bạch từ các trình tự, cách thức thực hiện, thành phần hồ sơ, mẫu đơn, mẫu tờ khai, phí, lệ phí... Qua đó, giúp rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, loại bỏ những thủ tục cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.
Để tiếp tục thu hút đầu tư hiệu quả các dự án vào địa bàn, Hà Tĩnh đang tập trung rà soát những cơ chế, chính sách đã ban hành, kịp thời bổ sung, sửa đổi những chính sách không còn phù hợp; bãi bỏ những quy định cản trở đến việc thu hút đầu tư, sử dụng các nguồn lực để đầu tư. Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư mới đủ sức hấp dẫn, có tính cạnh tranh, mang tính khả thi và phù hợp với quy định của pháp luật cũng như điều kiện thực tế của tỉnh.
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn