Đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở
Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính được Chính phủ ban hành ngày 23/4/2018 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 21/6/2018.
Nghị định ra đời với mục tiêu giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện, đúng pháp luật, công bằng, bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền; lấy sự hài lòng của người dân, các tổ chức, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền từ trung ương đến tận các xã, phường.
Theo ông Nguyễn Đình Tuấn, chỉ còn vài ngày nữa là Nghị định 61 sẽ có hiệu lực thực hiện, song trên thực tế các nội dung trong nghị định đã được Hà Tĩnh triển khai đồng bộ từ tỉnh đến tận cơ sở trong thời gian qua.
Đối với cấp tỉnh, Nghị định 61 quy định phải thành lập trung tâm phục vụ hành chính công, thì đến nay Trung tâm Hành chính công tỉnh Hà Tĩnh đã vận hành hiệu quả, giúp người dân và doanh nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính. Đã có 17 đơn vị trực thuộc UBND tỉnh và Công an tỉnh có điểm giao dịch tại Trung tâm Hành chính công tỉnh; tổng số thủ tục đưa vào giao dịch đạt 1.306/tổng số 1.446 thủ tục.
Ở cấp huyện, theo quy định của Nghị định 61 phải thành lập bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Tại Hà Tĩnh, từ hiệu quả thực tế của Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, 7 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập trung tâm hành chính công; 6 địa phương còn lại đã hoàn thiện đề án trình tỉnh và đang gấp rút hoàn thiện cơ sở vật chất để hoạt động trong thời gian sớm nhất.
"Không chỉ mạnh dạn thành lập trung tâm hành chính công cấp huyện, Hà Tĩnh còn liên kết đưa các giao dịch ngành thuế, BHXH, công an vào trung tâm hành chính công cấp huyện nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân. Đây là điểm nổi bật của Hà Tĩnh" - ông Tuấn cho biết thêm.
Còn đối với cấp xã, dựa theo quy định của Nghị định 61, đến nay 262 xã, phường trên địa bàn tỉnh đều có bộ phận một cửa tiếp nhận và trả kết quả các thủ tục hành chính. Điều đặc biệt là, các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở cấp xã đều đã được quản lý bằng phần mềm dịch vụ công trực tuyến, do đó tỉnh, huyện hoàn toàn có thể nắm bắt được tình hình giải quyết thủ tục hành chính ở cấp xã, từ đó có sự đôn đốc, thậm chí là xử lý nếu vi phạm.
Đáp ứng về nhân lực
Cơ sở vật chất, con người và việc quản lý hệ thống một cửa, một cửa liên thông ở Hà Tĩnh cũng đáp ứng được yêu cầu theo Nghị định 61.
Theo tìm hiểu, hiện nay Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh và huyện đều trực thuộc văn phòng UBND cùng cấp và được quản lý, theo dõi bởi một bộ phận hành chính. Cán bộ giao dịch mà các đơn vị cử sang trung tâm hành chính công đều là những người có chuyên môn vững vàng và có kinh nghiệm nhiều năm công tác mới có thể đáp ứng nhiệm vụ.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phan Thị Tố Hoa, để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, hàng năm sở đều phối hợp với các đơn vị, nhất là Học viện Hành chính quốc gia tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” cho cán bộ chuyên trách cấp huyện, cấp xã.
Tại các buổi tập huấn, các học viên được trang bị kiến thức, thông tin về việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; các kỹ năng cơ bản của công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; áp dụng quản lý theo kết quả trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đặc biệt, hướng dẫn, trang bị kỹ năng về giao tiếp và cách ứng xử khi giao dịch với người dân, doanh nghiệp.
Theo Phúc Quang/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn