Lộc Hà đã có quyết sách đúng đắn bằng việc chú trọng phát triển khai thác, NTTS, phát triển hậu cần nghề cá nên đã mang lại hiệu quả kinh tế khá. Cảng Cửa Sót (Thạch Kim) nhộn nhịp tàu, thuyền vào ra giao thương buôn bán. Nơi đây được xây dựng khu hậu cảng và quy hoạch âu tránh, trú bão. Để thuận lợi cho người dân và các hộ kinh doanh, Lộc Hà xây dựng cụm công nghiệp chế biến hải sản với quy mô trên 53.000 m2 ở xã Thạch Kim, nhằm tập trung các hộ tiểu thương chế biến, buôn bán thủy, hải sản, đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn.
Bên cạnh đó, với diện tích vùng ven biển, cửa biển rộng lớn, người dân Lộc Hà đã nuôi trồng gần 418 ha. Đầu năm đến nay, sản lượng thủy sản đạt gần 5.000 tấn, bằng 91,9% kế hoạch năm. Năm nay, được sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân trong huyện đã đóng mới 6 tàu đánh bắt xa bờ công suất 400 CV trở lên, nâng số tàu thuyền toàn huyện lên 310 chiếc, trong đó, đội tàu đánh bắt xa bờ công suất trên 90 CV là 47.
Công ty nuôi trồng thủy sản Hoàng Dương thả giống cá mú tại Dự án nuôi trồng thủy sản thương phẩm công nghệ cao ở xã Xuân Liên (Nghi Xuân). |
Ông Lê Trung Phước - Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà cho biết: Với lợi thế có bờ biển dài hơn 7 km, các vùng đầm thuận lợi nuôi thủy sản như tôm, cua, ngao ở Mai Phụ, Hộ Độ, Thạch Bằng, Thạch Kim. Gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Thịnh Lộc, Thạch Bằng triển khai các mô hình nuôi tôm trên cát, cá mú, cá bơn. Ngoài việc phát triển đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản thì lĩnh vực kinh doanh, TM-DV gắn với du lịch biển cũng mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu hải sản, biển Hà Tĩnh có trữ lượng các loài cá 8-9 vạn tấn, trong đó, cá nổi 44.000 tấn, cá đáy 41.000 tấn. Từ đầu năm đến nay, thời tiết thuận lợi, ngư dân Hà Tĩnh đã đánh bắt được trên 28.000 tấn thủy sản, trị giá 874 tỷ đồng. Ngư dân đang chuyển sang phương thức đánh bắt thủy sản có giá trị kinh tế, giá trị xuất khẩu lớn, từ đó, hình thành các tổ, đội, nghiệp đoàn nghề cá trên biển hỗ trợ phát triển kinh tế, ngư trường và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hiện nay, ngư dân các địa phương đã hình thành các mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ thành lập 2 nghiệp đoàn nghề cá, 16 mô hình khác và xây dựng 54 tổ ngư dân đoàn kết trên biển với hàng ngàn người tham gia.
Cùng với đầu tư phương tiện, ngư cụ, nhân dân các địa phương vùng biển đã đẩy mạnh nuôi trồng thủy, hải sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm nay, tổng diện tích NTTS đạt 7.780 ha, tăng 50 ha so với năm 2014, trong đó, diện tích mặn lợ 2.737 ha, nuôi nước ngọt 5.043 ha; phấn đấu sản lượng đạt 13.500 tấn. Thời gian gần đây, người dân tập trung đầu tư nuôi tôm, với diện tích trên 2.000 ha. Tại các xã ven biển thuộc Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, các tổ chức, cá nhân đã đầu tư cải tạo đất cát, hình thành hàng trăm ha nuôi tôm trên cát, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Người dân còn tận dụng các bãi triều, đầm, phá để đầu tư nuôi ngao, sò với diện tích hàng trăm ha, lợi nhuận từ 50-100 triệu đồng/ha.
Giám đốc Sở NN&PTNT Đặng Ngọc Sơn, cho biết: Phát triển NTTS nước mặn, lợ đã đem lại lợi nhuận rất lớn cho người dân, đặc biệt là mô hình nuôi tôm trên cát. Tỉnh đang triển khai dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững” nhằm quy hoạch NTTS ven bờ, nâng cao chất lượng giống, điều kiện an toàn sinh học tại các vùng nuôi lựa chọn, đồng thời, xây dựng mô hình quản lý cấp xã và huyện, nâng cấp cơ sở hạ tầng để phát triển bền vững.
Với những quyết sách đúng đắn và chính sách phù hợp, nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản đang trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho một bộ phận lớn người dân, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Chính Thu
Baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn