Luyện cán thép và sau thép - lĩnh vực công nghiệp trọng điểm của Hà Tĩnh. Trong ảnh: Xuất khẩu thép cuộn tại Công ty Formosa Hà Tĩnh.
Để đạt mục tiêu này, Hà Tĩnh đã rất thận trọng trong việc quy hoạch, điều chỉnh quy mô, công suất phù hợp và lộ trình triển khai hợp lý đối với các dự án công nghiệp trọng điểm; bảo đảm hiệu quả kinh tế và an toàn môi trường, an sinh xã hội sau khi đã đánh giá khả năng chịu tải của môi trường.
Cụ thể, trên lĩnh vực luyện cán thép và sau thép, sau khi Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đưa vào vận hành 2 lò cao (công suất 7,1 triệu tấn/năm), Hà Tĩnh khuyến nghị FHS sản xuất các loại thép dùng cho cơ khí chế tạo; trực tiếp sản xuất và kêu gọi các nhà đầu tư khác đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sử dụng nguyên liệu thép tại chỗ; hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành sản xuất các sản phẩm sử dụng nguyên liệu thép tại chỗ.
Đối với nhóm sản phẩm từ điện năng - nhóm ngành đóng góp giá trị sản xuất công nghiệp cho tỉnh đứng thứ 2 sau thép, chủ yếu từ các nhà máy nhiệt điện. Tuy vậy, việc hình thành các nhà máy nhiệt điện cần cân đối, xem xét với khả năng chịu tải về môi trường. Đối với các dự án nhiệt điện, Hà Tĩnh tập trung hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án nhiệt điện Vũng Áng II hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định để sớm triển khai. Đồng thời, tổ chức đánh giá khả năng chịu tải của môi trường trong KKT Vũng Áng để có ý kiến đối với cấp có thẩm quyền về chủ trương đầu tư dự án nhiệt điện Vũng Áng III.
Ông Phạm Hoành Sơn – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn và lãnh đạo Công ty Eab New Energy (CHLB Đức) ký biên bản ghi nhớ nhằm thảo luận, đàm phán các cơ hội thực hiện dự án năng lượng mặt trời tại Hà Tĩnh.
Về các dự án thủy điện, dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như: Dự án thủy điện Hương sơn 2, thủy điện Ngàn Trươi - Cẩm Trang, dự án điện mặt trời của Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn và Công ty GA Power, các dự án năng lượng gió…, tỉnh cũng đang tập trung thu hút đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp.
Cùng với quy hoạch phát triển các dự án công nghiệp trọng điểm trên, Hà Tĩnh tập trung quy hoạch phát triển nhóm ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nông thôn – TTCN… với kỳ vọng đến 2025, đưa giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp đạt khoảng 26.000 - 28.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 70.000 - 75.000 lao động.
Việc hình thành một trung tâm logistics phía sau cảng Vũng Áng tạo thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng kết nối các sản phẩm công nghiệp với thị trường.
Ông Hoàng Văn Quảng – Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho rằng, để thực hiện các mục tiêu, kế hoạch trên, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng liên quan phải tập trung cao cho công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch.Bên cạnh đó, tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh và quy hoạch phát triển CN - TTCN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt, xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu về phát triển công nghiệp và chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, tiềm năng lợi thế của tỉnh và chiến lược phát triển vùng, quốc gia; xu thế phát triển đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cũng theo ông Quảng, phát triển công nghiệp phải song hành với phát triển thương mại, dịch vụ, trong xu thế hội nhập, gắn liền với việc hình thành chuỗi cung ứng logistics (đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo quản). Việc hình thành một trung tâm logistics phía sau cảng Vũng Áng tạo thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng kết nối các sản phẩm công nghiệp với thị trường. Trung tâm logistics Vũng Áng sẽ là một trung tâm logistics chính của Hà Tĩnh, đảm bảo vai trò là trung tâm logistics phục vụ không chỉ trong phạm vi Hà Tĩnh, khu vực miền Trung mà còn kết nối với hành lang kinh tế Đông – Tây và các hoạt động giao thương quốc tế.
Theo Bá Tân/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn