Tại Hà Tĩnh, nhiều mô hình liên kết chuỗi hợp tác làm ăn hiệu quả đã thực sự góp phần hồi sinh những vùng đất cát tưởng chừng bị lãng quên
Hình thành chuỗi liên kết nhằm tăng tính cạnh tranh và tăng giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp là xu thế trong phát triển nông nghiệp ở Việt Nam. Không chỉ có nông dân cần liên kết mà ngay cả các doanh nghiệp - tác nhân trong chuỗi sản xuất hàng hóa nông nghiệp cũng có nhu cầu này... Tại Hà Tĩnh, nhiều mô hình liên kết chuỗi hợp tác làm ăn hiệu quả đã thực sự góp phần hồi sinh những vùng đất cát tưởng chừng bị lãng quên. Trại lợn nái theo mô hình liên kết chuỗi ở Hà Tĩnh (Ảnh: Lại Hoa - VOV)
Để vào xã Kỳ Bắc, một xã miền núi của huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, phải đi qua gần 5 chục cây số đường đất với địa hình khá phức tạp. Nơi đây thời tiết quanh năm khắc nghiệt, nhưng từ ngày Hợp tác xã Hoàng Châu đi vào hoạt động đã làm thức dậy vùng đất này. Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Châu, bà Trần Thị Châu, hồi tưởng, ban đầu chỉ là tổ hợp tác gồm 6 xã viên liên kết với nhau để làm dịch vụ vận tải hàng hóa phục vụ nhân dân xã Kỳ Bắc và một số vùng lân cận. Tổ hợp tác hoạt động tự phát, không có mục tiêu rõ ràng nên thu nhập bình quân chỉ 500.000 đồng/người/tháng. Bà Trần Thị Châu cho biết: năm 2012, Hợp tác xã được Liên minh Hợp tác xã Hà Tĩnh tư vấn thành lập hợp tác xã, gợi ý phương án sản xuất, hỗ trợ vay vốn và giúp kết nối với Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại - Mitraco Hà Tĩnh để liên kết hợp tác chăn nuôi lợn nái sinh sản. Đây là mô hình chăn nuôi lợn nái đầu tiên của Mitraco và cũng là mô hình lợn nái vệ tinh thí điểm của tỉnh Hà Tĩnh. Khi mới thành lập hợp tác xã chỉ có 7 người góp vốn với 800 triệu đồng, nay thì đã có 10 thành viên và vốn đã lên gần 6 tỷ đồng. Bà Trần Thị Châu nói: “Hợp tác xã được Công ty bao tiêu đầu vào, đầu ra, làm mặt bằng, chuồng trại. Khi lợn nuôi được 20 ngày được Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Mitraco chuyển đi nuôi các trại, bao tiêu tất cả. Hình thức liên kết này được hỗ trợ kỹ thuật, thuốc men và được công ty bao tiêu, các thành viên Hợp tác xã yên tâm sản xuất, không sợ dịch bệnh, chỉ làm sạch chuồng, khử trùng”.Hươu là vật nuôi truyền thống, phù hợp với điều kiện tự nhiên và giá trị kinh tế cao nên Hà Tĩnh xác định hươu là sản phẩm hàng hóa chủ lực, được ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển, đặc biệt là việc sản xuất hươu giống và nuôi hươu lấy nhung. Từ nhu cầu thị trường và chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhiều mô hình nuôi hươu nhỏ lẻ đến trại quy mô lớn ngày một tăng, mang lại thu nhập cho người dân và góp phần xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo. Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ Hươu giống - Nhung hươu, ông Phan Văn Luật cho biết: “Từ lúc ký kết bà con và người dân xã Sơn Lâm rất phấn khởi vì có Hợp tác xã đứng ra là đầu mối thu mua. Thời gian tới, với lợi thế thuận lợi có đồng cỏ lớn, đồi núi lá cỏ nhiều, nên Hợp tác xã tiếp tục phát triển nhưng khó khăn nguồn vốn vay để làm."Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả của Hà Tĩnh. Đến nay tỉnh này đã xây dựng hơn 7.000 mô hình trong nông nghiệp doanh thu lớn từ trồng rau quả đến nuôi trồng. Điểm nổi bật trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh là đã bước đầu hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh đã xác định các sản phẩm có lợi thế lớn của tỉnh như: heo, bò, tôm, hươu, rau củ quả công nghệ cao, cam, bưởi Phúc Trạch. Toàn tỉnh có 54 Hợp tác xã sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp, nhất là các Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi heo; trồng rau, củ, quả công nghệ cao trên cát hoang hóa; nuôi tôm công nghệ cao; chế biến nông sản, thủy sản. Trại hươu giống của Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Mitraco Hà Tĩnh (Ảnh: Lại Hoa - VOV)
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn khẳng định: “Sản xuất hiện nay phải liên kết lại, nếu chỉ để nông dân sản xuất thuần túy thì chỉ tự cung, tự cấp, bản thân nông dân không thể tự đưa khoa học công nghệ vào, bản thân nông dân đi tiêu thụ sản phẩm cũng rất khó. Chính vì vậy phải liên kết lại, muốn liên kết lại đầu tư từ Tổ hợp tác, Hợp tác xã và Tổ hợp tác, Hợp tác xã phải liên kết với doanh nghiệp".Hợp tác xã đóng vai trò kết nối nông dân với doanh nghiệp và một mặt kiểm soát quy trình sản xuất bên trong, hỗ trợ nông dân đầu tư các hoạt động khác. Ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khác: “Khi làm chuỗi thì ngay nội bộ chuỗi đối tác này kiểm tra đối tác khác thông qua cam kết, hợp đồng. Bên cạnh đó, sản xuất không theo chuỗi hạn chế đó là câu chuyện thu hút đầu tư, bây giờ thu hút đầu tư không phải mạnh ai làm mà các tác nhân trong chuỗi có thể hỗ trợ nhau. Ngoài ra khi có liên kết đảm bảo sự phát triển bền vững, thì ngay thể chế bên ngoài về tín dụng, tài chính cũng dựa vào căn cứ đó cho vay tốt hơn, giảm thiểu thủ tục mà nếu làm đơn lẻ bị yêu cầu còn làm theo chuỗi khì không và thúc đẩy tập trung, thu hút về vốn."Từ những mô hình điểm liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp tại Hà Tĩnh cho thấy, Hợp tác xã là mắt xích quan trọng để liên kết nông dân với doanh nghiệp. Kinh nghiệm bước đầu từ Hà Tĩnh cho thấy sự liên kết này càng chặt chẽ thì càng gia tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới mục tiêu nâng cao và đảm bảo thu nhập bền vững cho bà con nông dân. Nguồn radiovietnam.vn
http://radiovietnam.vn/ArticleMobile/tin-tuc-63-tinh-thanh/2016/04/ha-tinh-phat-trien-chuoi-lien-ket-trong-nong-nghiep/