Nhà máy Bê tông Viết Hải, đơn vị hoạt động có hiệu quả tại Cụm công nghiệp Phù Việt (Thạch Hà)
Sở Công Thương Hà Tĩnh cho biết, hiện toàn tỉnh có 19 CCN đã được điều chỉnh cục bộ quy hoạch cho phù hợp với thực tế. Hàng năm, tỉnh cũng bố trí từ 25 - 30 tỷ đồng hỗ trợ phát triển CCN, đồng thời vận dụng kinh phí đầu tư hạ tầng của Trung ương, lồng ghép nguồn vốn từ các nguồn khác, như: Đầu tư phát triển, xây dựng nông thôn mới, xây dựng cơ bản, hạ tầng làng nghề. Chỉ trong 3 năm (2013 - 2015) tỉnh đã bố trí 112 tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN. Bên cạnh đó, UBND một số huyện, thị xã, thành phố cũng ưu tiên bố trí nguồn ngân sách cấp huyện hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng…
Nhờ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tốt, những năm qua, toàn tỉnh đã thu hút gần 100 dự án đầu tư vào các CCN, giải quyết việc làm cho trên 700 lao động. Hầu hết các CCN có dự án đăng ký và đầu tư sản xuất tăng nhanh so với thời điểm trước khi đề án được thực hiện. Tiêu biểu, CCN Thạch Kim từ chỗ không có dự án nào, đến nay đã có 100 dự án đăng ký, trong đó 38 dự án đi vào hoạt động. Công tác di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư, làng nghề vào CCN cũng được thực hiện tốt hơn.
Ngoài ra, công tác xử lý môi trường trong cụm cũng được chú trọng. Toàn tỉnh có 3 CCN được đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Cùng với đó, các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư vào cụm đều phải báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Tuy nhiên theo đại diện Sở Công Thương Hà Tĩnh, việc triển khai thực hiện đề án cũng như phát triển CCN trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Hạ tầng các CCN chưa được đầu tư đồng bộ, manh mún, kém hấp dẫn với doanh nghiệp. Nguyên do, nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng CCN chủ yếu từ ngân sách tỉnh nên thực hiện nhỏ giọt, chậm tiến độ. Thậm chí nhiều hạ tầng cần thiết tuy đã có quy hoạch nhưng do thiếu vốn nên chưa được thực hiện.
Căn cứ theo nhu cầu thực tế, bình quân mỗi năm ngân sách tỉnh phải cấp từ 50 - 60 tỷ đồng cho phát triển CCN tuy nhiên chỉ bố trí được từ 25 - 30 tỷ đồng. Trong khi đó, công tác xã hội hóa đầu tư vào CCN còn hạn chế do cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh, việc thu hút đầu tư còn khó khăn nên chưa hấp dẫn được doanh nghiệp.
Để Đề án Phát triển CCN tiếp tục thực hiện có hiệu quả, Hà Tĩnh đã xây dựng giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, tỉnh sẽ xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh hạ tầng CCN theo hình thức công – tư kết hợp, đây được coi là giải pháp trọng tâm. Theo đó, nhà nước đầu tư xây dựng một số hạ tầng thiết yếu như: Đường giao thông, cấp điện, cấp nước đến hàng rào cụm, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng trong cụm để kinh doanh. Thông qua các chương trình khác như khuyến công, tỉnh sẽ hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong CCN.
Tuy nhiên, đại diện Sở Công Thương Hà Tĩnh cũng cho rằng: Để CCN phát triển bền vững, cần sớm có Nghị định về quản lý, phát triển CCN để địa phương có căn cứ điều chỉnh, bổ sung chính sách về CCN nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn tại.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn