Dự án Phát triển Nông nghiệp Hà Tĩnh (CIDA) do Tổ chức phi chính phủ Đan Mạch tài trợ đã giúp người dân xã Kỳ Thượng tổ chức sản xuất chè theo hướng hàng hóa.
Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra Quyết định số 1066/QĐ-UBND ngày 23/4/2013 ban hành Chương trình xúc tiến vận động viện trợ PCPNN của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013 - 2017. Quyết định trên đã tạo hành lang pháp lý và định hướng cho công tác vận động viện trợ PCPNN của tỉnh Hà Tĩnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức PCPNN tìm hiểu nhu cầu viện trợ của tỉnh để triển khai hoạt động đầu tư viện trợ vào các lĩnh vực định hướng ưu tiên của tỉnh.
Hàng năm, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các tổ chức PCPNN có văn phòng đại diện tại Việt Nam và tổ chức đón tiếp, làm việc với nhiều đoàn công tác của các tổ chức vào thăm, khảo sát nhu cầu, kiểm tra tình hình thực hiện dự án; vận động các nguồn quỹ từ các Đại sứ quán các nước tại Việt Nam như: Canada, Pháp, Úc, Nhật Bản...
Theo ông Hồ Quang Minh - Giám đốc Sở Ngoại vụ, Phó ban Thường trực Ban công tác PCP tỉnh Hà Tĩnh thì bình quân mỗi năm, tỉnh thu hút và giải ngân từ 30 - 50 tỷ đồng. Các chương trình, dự án đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
“Trong khi nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp thì sự giúp đỡ từ bên ngoài, đặc biệt là các nguồn viện trợ ODA không hoàn lại, các chương trình, dự án từ các tổ chức PCPNN, các tổ chức quốc tế, các nguồn quỹ của Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài là rất cần thiết” – ông Hồ Quang Minh khẳng định.
Hoạt động viện trợ của các tổ chức PCPNN đa dạng về hình thức, tập trung vào lĩnh vực phát triển bền vững thông qua các chương trình xây dựng nâng cao năng lực cộng đồng, nhất là trên các lĩnh vực nâng cao nhận thức, hỗ trợ sản xuất tăng thu nhập cho người dân; hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn; phòng chống biến đổi khí hậu, môi trường; y tế, giáo dục - đào tạo, cứu trợ khẩn cấp,...
Theo đánh giá của Ban Công tác PCP tỉnh, tất cả các chương trình, dự án này được thực hiện có sự tham gia tích cực từ phía chính quyền địa phương và người dân trong vùng thụ hưởng. Hầu hết, các dự án đều được triển khai đúng theo kế hoạch và được đánh giá là tiếp cận có hiệu quả trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ, tăng cường năng lực quản lý cũng như các hoạt động sản xuất của người dân, góp phần nâng cao chất lượng sinh kế cho người nghèo, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ông Hồ Quang Minh cho biết thêm: Xác định tầm quan trọng của nguồn vốn viện trợ PCPNN, thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác vận động viện trợ phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và tình hình thực tế của từng ngành, địa phương. Trên cơ sở các thế mạnh, lĩnh vực ưu tiên của các tổ chức PCPNN để kêu gọi tối đa số lượng, phát huy cao nhất hiệu quả nguồn vốn viện trợ. Bên cạnh đó, cần tranh thủ vận động các doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài đến tìm hiểu nhu cầu và vận động viện trợ cho địa phương.
Sau 5 năm (2013 - 2017) tích cực triển khai thực hiện Chương trình vận động viện trợ PCPNN, Hà Tĩnh đã tiếp nhận và triển khai có hiệu quả 64 chương trình, dự án liên quan đến các lĩnh vực: nông nghiệp - nông thôn, y tế, giáo dục, môi trường, giảm nhẹ thiên tai, cứu trợ khẩn cấp... với giá trị tài trợ trên 22,5 triệu USD. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn