22:46 EST Thứ tư, 25/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong tỉnh


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Hàng rào 'hái' ra tiền

Chủ nhật - 04/06/2017 20:30
Nói đến nông thôn mới (NTM) người ta thường nghĩ đến công cuộc bê tông hóa đường làng, ngõ xóm, tường rào… Nhưng ở Hà Tĩnh thì khác. Với người nông dân, không gì vui sướng hơn bằng việc ngay cả hàng rào cũng “hái” ra tiền mỗi ngày. Sáng kiến “Xây dựng mô hình hàng rào kinh tế gắn với xây dựng vườn mẫu trong xây dựng NTM” đang trở thành cuộc “cách mạng xanh” ở Hà Tĩnh.

Tận dụng không gian bên hồ cá để trồng bí.

“Lên đời” cho tiêu chí số 20

Tiêu chí riêng có ở Hà Tĩnh – tiêu chí số 20, xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu đã khẳng định được “thương hiệu” của mình và được rất nhiều tỉnh, thành học tập, nhân rộng. Dẫu đã thành công, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân nhưng những người làm NTM ở Hà Tĩnh vẫn không ngừng làm giàu ý tưởng để từng bước nâng cấp tiêu chí này. 

Trong tiêu chí số 20 quy định hàng rào xanh phải đạt 70%, với quy định này, người dân ở đây thường chọn những loại cây như dâm bụt, mận hảo… để làm hàng rào, vừa xanh, vừa cứng, lại bảo vệ cho khu vườn của gia đình. Tuy nhiên, với ý nghĩ xanh, sạch, đẹp vẫn chưa đủ mà còn phải đem lại lợi ích kinh tế cho người dân, Văn phòng điều phối NTM Hà Tĩnh đã nghĩ ra phương án biến hàng rào thành nơi “hái” ra tiền. 

Ban đầu, ý tưởng được thực hiện tại 58 hộ thuộc thôn Yên Mỹ (xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Xuyên) và thôn Nam Trà (xã Hương Trà, huyện Hương Khê). Tại đây, các hộ dân được hướng dẫn phá bỏ hàng rào “chết” để dựng lên hàng rào xanh có giá trị kinh tế như: Nệp vườn; lối vào nhà; lối đi nội vườn; trên mặt hồ, bên hồ; làm giàn leo các loại trên hàng rào sẵn có; làm giàn leo ở các nơi có điều kiện không gian phía trên...

Kết cấu của hàng rào làm bằng sắt, thép hoặc tre nứa, sau đó trồng các loại cây như mướp đắng, mướp ngọt, bí, hoa thiên lý, chanh leo... Kết quả thực sự mỹ mãn khi những hàng rào này đem lại khá nhiều lợi ích cho người dân.

Chị Nguyễn Thị Thuận (thôn Yên Mỹ, xã Cẩm Mỹ) – 1 trong 58 hộ thực hiện thí điểm - cho biết, hàng rào của chị trước đây là những cây hỗn tạp, ít giá trị như tre, dâm bụt, nhưng khi được cán bộ Văn phòng điều phối hướng dẫn làm hàng rào kinh tế, chị đã mạnh dạn phá bỏ những cây đó đồng thời làm giàn cho cây mướp đắng, hoa thiên lý leo. Trên khu vườn gần 2.000 m2 chị Thuận đã dành 1.500 m2 để trồng sản phẩm chủ lực cam Cẩm Yên, diện tích còn lại trồng rau màu các loại.

Với phương châm “mùa nào rào cây đó”. Tại hàng rào, chị Thuận trồng giống cây phù hợp với từng mùa để thu hoạch cho hợp lý. Mỗi năm vườn mẫu của chị Thuận thu được trên 80 triệu đồng, trong đó, hàng rào cũng đem lại cho chị mỗi tháng ít nhất là 2 triệu đồng. 

Thí điểm thành công, Văn phòng điều phối NTM Hà Tĩnh tiếp tục triển khai thực hiện ở một số xã như Cẩm Bình (Cẩm Xuyên), Hương Trà (Hương Khê), Tượng Sơn (Thạch Hà). Thực tế cho thấy việc xây dựng hàng rào xanh kinh tế vừa cải thiện cảnh quan môi trường, vừa tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao hiệu quả kinh tế vườn hộ.

Chỉ trong vòng 2 năm, mô hình này được nhân rộng ra khắp nơi trên toàn tỉnh, nhiều địa phương được chọn làm điểm tham quan học tập trong và ngoài tỉnh.

Đến thôn Hà Thanh (xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà), vào bất kỳ gia đình nào cũng bắt gặp những cổng vườn nặng trĩu rau quả. Từ ngoài cổng vào đến sân, ông Nguyễn Văn Hoàng (thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà) trồng một loạt mướp hương, đang mùa thu hoạch, nên mướp chất đầy vườn.

Ông Hoàng vui vẻ chia sẻ: “Trước đây, từ ngõ vào nhà cứ phải chạy thật nhanh khỏi nắng, được cán bộ hướng dẫn, tôi làm giàn vòm phía trên trồng các loại cây phủ lên vừa tạo bóng mát lại còn có tiền nữa. Việc trồng cây phải căn theo mùa vụ cho phù hợp, mùa này trồng cây này, khi sắp tàn thì phải “dắm” cây khác xen vào. Mọi diện tích từ vườn ra ngõ đều phải được tận dụng triệt để, không để lãng phí mét đất nào.

Sáng kiến cấp cơ sở

Hàng rào kinh tế góp phần “lên đời” cho tiêu chí số 20 của Hà Tĩnh nhưng đồng thời là sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở được đội ngũ lãnh đạo, cán bộ Văn phòng điều phối NTM Hà Tĩnh hết sức kỳ vọng. Bởi thực tế cho thấy bên cạnh lợi ích kinh tế, những hàng rào này còn mang lại lợi ích xã hội đó là tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; giảm ngập úng cục bộ, giảm lũ...

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Huy Oánh -Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chánh văn phòng điều phối NTM Hà Tĩnh cho biết: “Sau khi đi “thị sát” 7 xã đạt chuẩn NTM vào năm 2013, tôi trở về với một nỗi băn khoăn về nguy cơ bê tông hóa toàn phần, vừa lãng phí lại không phù hợp với “chất” đồng quê vốn có. Trước đây, người dân có tập quán dùng các loại cây xanh làm hàng rào rồi, như vậy ý thức của người dân đã hình thành ở việc xây dựng hàng rào xanh. Thế nhưng, chưa ai nghĩ đến chuyện hàng rào xanh nhưng mang lại lợi nhuận kinh tế”. 

Sau nhiều cuộc họp bàn, mô hình hàng rào xanh kinh tế ra đời. Văn phòng điều phối NTM Hà Tĩnh cử cán bộ xuống tận nơi hướng dẫn các khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu trồng các loài hoa, quả quanh năm.

Đối với hệ thống hàng rào cũng phải sử dụng các loại cây leo kinh tế  bốn mùa, vừa bảo đảm màu xanh, vừa “hái” ra tiền như các loại cây hoa thiên lý, chanh leo, gấc, mướp… Việc làm hàng rào xanh kinh tế vừa giảm được chi phí xây dựng hàng rào, vừa cho thu nhập lại đẹp cảnh quan. Người dân phản hồi rất tốt và liên tục nhân rộng ra nhiều địa phương khác. 

“Điều chúng tôi đang hướng đến đó là tạo ra những vùng chuyên canh cây rau quả có giá trị tại từng vùng để liên kết đầu ra cho sản phẩm của các hàng rào kinh tế. Chẳng hạn như quy hoạch những vùng chuyên trồng chanh leo, mướp, hay hoa lý, bí đao…Sau đó liên kết với các HTX, doanh nghiệp, siêu thị... tạo thành chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho hàng rào và nâng cao cuộc sống của người dân”, ông Oánh nói. 

Đặc biệt, sản phẩm của các hàng rào kinh tế ở Hà Tĩnh là những sản phẩm sạch, không hề sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật gây hại cho sức khỏe của nguời tiêu dùng.

Người dân “chế” ra các loại “thuốc” trị sâu bọ bằng phương pháp vi sinh, hòa lẫn các loại thực phẩm như tỏi, ớt, rượu, lá cây thuốc lào phun lên rau, củ, quả trừ sâu bọ. Hoặc trồng các loại hoa dẫn dụ như hoa cúc, hướng dương… lẫn trong vườn để dẫn dụ sâu bọ, bướm gây hại tập trung tại đó để diệt trừ. 

Nhà này học hỏi nhà kia, xóm này học hỏi xóm kia, cứ thế đến nay mô hình đã trở thành cuộc “cách mạng xanh” ở Hà Tĩnh.

Theo: Hạnh Nguyên/daidaidoanket.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: xây dựng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 190


Hôm nayHôm nay : 53782

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1131137

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72813846