Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Tiến Hưng cho biết: Toàn huyện có hơn 900 phương tiện đánh bắt, khai thác thủy sản, trong đó, có 23 đội tàu đánh bắt xa bờ công suất từ 250-450 CV, số còn lại là 20-90 CV. Mặc dù, là huyện có số tàu khai thác xa bờ nhiều nhất tỉnh nhưng so với tiềm năng, lợi thế của địa phương thì chưa tương xứng.
Chính sách hỗ trợ của Nhà nước là cơ hội cho bà con ngư dân trên địa bàn được “sắm” những con tàu sắt, tàu gỗ công suất lớn, từ đó, mở rộng ngư trường với những sản phẩm khai thác có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, huyện đã triển khai quyết liệt, đồng bộ công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đến tận bà con ngư dân.
Công ty CP Cơ khí đóng tàu Nghệ An đóng tàu vỏ sắt cho anh Nguyễn Văn Huy ở xã Xuân Hội với công suất hơn 800 CV. |
Với chính sách hỗ trợ từ Nghị định 67, tùy theo đóng mới tàu sắt hay tàu gỗ mà ngư dân được vay vốn với lãi suất chỉ từ 1-3%/năm, lại được vay từ 70-95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, thời hạn vay kéo dài đến 11 năm. Ngoài ra, có thể vay vốn lưu động đến 70% chi phí cho chuyến đi biển và cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá. Từ đó, không chỉ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động khai thác của ngư dân trong những năm qua mà còn mở ra hướng đi mới, tạo việc làm cho những người tâm huyết với dịch vụ hậu cần nghề cá.
Ông Trần Quốc Rạng ở xóm Hội Long (xã Xuân Hội) đã 40 năm gắn bó với nghề biển là người tiên phong đăng ký tham gia vay vốn đầu tư đóng tàu vỏ thép đầu tiên của tỉnh. Ông cho biết, qua cán bộ nông nghiệp và các cuộc họp giữa chính quyền xã Xuân Hội với ngư dân, ông đã tiếp nhận được thông tin về Nghị định 67. Nghiên cứu kỹ các tiêu chí, ông quyết định vay vốn để đóng chiếc tàu vỏ thép với công suất trên 800 CV. “Để vươn khơi đến những ngư trường xa, đánh bắt hải sản tại các vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa thì cần phải có tàu vỏ thép với trang thiết bị máy móc, ngư cụ hiện đại, nên tôi đã bàn với gia đình đi đến quyết định này” - ông Rạng tâm sự.
Trong khi các địa phương khác đang “đau đầu” vì chưa có chủ đầu tư đăng ký tham gia thì Nghi Xuân đã tiến hành khởi công đóng mới 4 tàu vỏ thép công suất từ 800-1.100 CV với số tiền trên 73 tỷ đồng và đang hoàn tất hồ sơ để tiến hành đóng mới một tàu dịch vụ hậu cần nghề cá ở Xuân Giang. Theo phân bổ của tỉnh, chỉ tiêu đóng mới tàu cá trên địa bàn Nghi Xuân là 7 tàu khai thác và 1 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.
Ông Trần Xuân Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho rằng: Kết quả trên đã minh chứng cho những nỗ lực của huyện Nghi Xuân trong công tác triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, từng ngày hiện thực hóa giấc mơ vươn khơi của bà con ngư dân nơi đây.
Những ngày này, đội ngũ công nhân của các xưởng đóng tàu trong nước đang hết sức khẩn trương để hoàn thiện các tàu cá, nhằm sớm bàn giao cho chủ tàu theo đúng kế hoạch. Những con tàu vỏ thép - ước mơ bấy lâu của ngư dân đang sắp trở thành hiện thực để họ an tâm bám biển và làm tròn nghĩa vụ cao cả là góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Hoàng Long
theo http://baohatinh.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn