Với ngư dân xã Cẩm Nhượng những ngày tháng lênh đênh trên biển nhiều hơn ở nhà và họ cũng thường phải đối diện với hiểm nguy. Ý thức được điều đó nên một nhóm ngư dân ở đây đã thành lập tổ hợp tác an toàn trên biển để giúp đỡ tương trợ lẫn nhau.
Cách đây ít lâu trong một chuyến đánh bắt xa bờ kéo dài 10 ngày thuyền của anh Nguyễn Huy Hoàng ở thôn Lâm Hoãn, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên đã bị chết máy khi cách bờ 30 hải lý. Loay hoay chưa biết xử lý thế nào thì anh nhớ ngay đến anh em của mình trong tổ hợp tác an toàn trên biển nên anh đã gọi điện thông báo sự cố mình gặp phải. Ngay sau khi hay tin tạm gác lại công việc đánh bắt ở thuyền của mình, một thuyền trong tổ hợp tác an toàn trên biển gần với thuyền anh Hoàng gặp nạn nhất đã có mặt kịp thời để kéo thuyền của anh Hoàng vào bờ. Gần đây nhất, do thời tiết xấu nên thuyền của anh đã bị đắm khi cách bờ 20 hải lý, 8 thuyền viên hết sức hoảng hốt nhưng cũng như lần trước, lần này họ lại được giải cứu nhanh chóng bởi khi biết tin anh em trong tổ hợp tác đã có mặt ngay để vớt người và nâng thuyền.
Hơn 20 tuổi anh Nguyễn Huy Hoàng ở thôn Lâm Hoãn, xã Cẩm Nhượng đã theo cha và các bác đi biển. Cũng từ ngày đó biết bao lần anh đã chứng kiến những rủi ro. Vì vậy, khi tự mình làm chủ chiếc thuyền 69CV chính anh đã vận động anh em đi biển thành lập tổ hợp tác an toàn trên biển. Anh Nguyễn Huy Hoàng – Tổ trưởng tổ hợp tác an toàn trên biển xã Cẩm Nhượng phấn khởi cho biết: “Trước đây chúng tôi đánh bắt riêng lẻ, thuyền nào biết thuyền đó nên nhiều khi gặp rủi ro cũng phải tự giải quyết, tự gánh chịu. Từ ngày vào Tổ hợp sản xuất an toàn trên biển thì không như vậy nữa. Anh em trong tổ khi phát hiện ra luồng cá không hưởng một mình mà thông báo cho nhau cùng đến khai thác nên nhiều năm nay những chuyến thuyền về không của chúng tôi cũng ít dần đi. Đặc biệt, chúng tôi thường xuyên giúp đỡ nhau khi gặp sự cố trên biển. Vì vậy ai cũng cảm thấy an tâm hơn rất nhiều”.
|
Tham gia tổ hợp tác sản xuất an toàn trên biển anh Nguyễn Huy Hoàng được tạo điều kiện sắm thêm phương tiện đánh bắt |
Tổ hợp tác an toàn trên biển của xã Cẩm Nhượng được thành lập từ năm 2008 trên cơ sở tự nguyện của một nhóm ngư dân. Đến nay tổ hợp tác có 6 thuyền từ 45CV trở lên tham gia với 50 hội viên. Vào đây những ngư dân của 6 thuyền này như người một nhà, họ thường xuyên thông báo cho nhau biết các thông tin về tình hình ngư trường, giúp đỡ nhau trong khai thác thủy sản, tìm kiếm thị trường tiêu thụ và giải quyết các sự cố khi hỏng máy, đắm thuyền, bão tố bất thường. Ngoài ra với nguồn quỹ hội 50 triệu đồng/năm, Tổ hợp tác đã tạo điều kiện cho tổ vay có hoàn cảnh khó khăn vay mua sắm thêm ngư cụ, phương tiện đánh bắt, mở rộng hoạt động đánh bắt, chế biến thủy sản nhằm không ngừng nâng cao sản lượng và thu nhập của các gia đình đi biển. Trong quá trình buông lưới xa khơi, khi phát hiện những trường hợp đánh bắt sai trái họ cũng đã kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương và ngành chuyên môn. Tuy nhiên, với một địa phương có số lượng gần 300 thuyền như Cẩm Nhượng thì việc tập hợp, vận động người dân vào tổ hợp tác an toàn trrên biển là điều hết sức cần thiết. Ông Nguyễn Hoàng Lê - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Nhượng cho biết thêm: “Tổ hợp tác sản xuất an toàn trên biển của xã Cẩm Nhượng đi vào hoạt động đã phát huy được lợi thế rất quan trọng đó là tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong khai thác đánh bắt thủy sản, kịp thời xử lý các sự cố gặp phải trên biển. Họ cũng là những người rất chủ động và tích cực trong việc phát hiện một số tàu có biểu hiện xâm phạm lãnh thổ quốc gia để thông báo với bộ đội biên phòng. Đặc biết với mong muốn nuôi dưỡng nguồn lợi thủy sản trên biển phục vụ cho việc đánh bắt lâu dài, những thành viên trong tổ hợp tác an toàn trên biển luôn khai thác rất lành mạnh, chủ yếu là dùng hình thức buông lưới câu. Trong quá trình đi biển họ đã báo cáo với chính quyền địa phương những trường hợp dùng mìn để khai thác thủy sản. Việc làm này hủy diệt lớn đến nguồn lợi thủy sản. Với vai trò xung lích của tổ hợp tác chúng tôi thiết nghĩ các cấp chính quyền cần quan tâm động viên nhân rộng mô hình để vừa đảm bảo an toàn tính mạng cho ngư dân của mình vừa khai thác có hiệu quả hơn”
Với một nghề có nhiều bất trắc thì rõ ràng tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau sẽ là nền tảng quan trọng để ngư dân vững tin khai thác trên biển, phát huy có hiệu quả vai trò chủ thể và tham gia tích cực công cuộc bảo vệ chủ quyền vùng biển quê hương.
Bài, ảnh: Nguyễn Tâm
Đài PT-TH Cẩm Xuyên