Trong những năm gần đây, kinh tế vườn, xây dựng vườn mẫu đã chiếm một vị trí quan trọng và mang lại hiệu quả rất lớn đối với người nông dân, nếu so với trồng lúa, trồng hoa màu, chăn nuôi thì kinh tế vườn đã vượt trội về mặt kỹ thuật sản xuất và hiệu quả kinh tế nếu cụ thể một cây ăn quả (Bưởi Diễn tại Đức Lập, Đức Thuỷ,Cam Chanh tại Đức Long, Đức Lạng) chỉ chiểm 25 đến 30m2 cho thu nhập từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng/năm, như vậy một sào cho thu nhập từ 13 đến 18 triệu đồng/năm; một sào đất làm rau các loại (như vườn mẫu Bùi Xá, Tùng Ảnh, thị trấn) mỗi ngày thu nhập từ 100.000 đến 300.000 đồng mỗi năm cho thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng, mặt khác phát triển kinh tế vườn sản xuất gắn với ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, có thị trường dễ tiêu thụ đã và đang giữ vai trò quan trọng trong việc sử dụng hiệu quả đất đai, lao động và tài nguyên sẵn có.
Qua khảo sát đánh giá trừ những trường hợp nông dân có nhiều đất, tổ chức sản xuất kinh doanh bằng nghề làm vườn, thì nhìn chung đại đa số nông dân ta mỗi hộ đều có từ 200 đến hàng nghìn m2 đất vườn quanh nhà, từ đó được sự chỉ đạo của BTV Huyện uỷ, UBND huyện đã ban hành Đề án phát triển kinh tế vườn hộ, HND huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức phát động phong trào trên địa bàn toàn huyện lấy xã Đức Lập là xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới 2018 làm điểm triển khai ra các xã còn lại, kết quả đến nay nhiều địa phương triển khai khá đồng bộ như: Đức Lập, Đức Lạng, Đức long, Bùi Xá, Đức Thịnh, Đức Đồng, Thị trấn, Đức Quang, Tùng Ảnh… đã chỉnh trang cải tạo được trên 3.000 vườn hộ để trồng cây ăn quả, rau màu, xây dựng 216 vườn mẫu đạt chuẩn gấp 2 lần so với năm 2017. Nhiều vườn mẫu có thu nhập cao, sinh cảnh đẹp như vườn ông Hà, ông Hiệu - Đức Lập, ông Tiến - Đức Hoà, ông Luận, ông Lệ - Đức Lạng, bà Lan - Đức Long, anh Thế - Đức Quang….. Từ phát triển kinh tế vườn, vườn đồi hình thành nhiều mô hình lớn bền vững như mô hình trồng Cam của ông Lâm – Đức Lạng 10 ha, mô hình trồng cam, bưởi diễn 4 ha của ông Tùng - Tùng Ảnh, mô hình trồng Thanh Long của ông Quý - Đức Dũng 5 ha, mô hình trồng cam, chăn nuôi của ông Ngọc – Tân Hương 4 ha….
Ngoài công tác vận động, giao chỉ tiêu và triển khai đề án, Hội Nông dân huyện còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và các trung tâm của tỉnh triển khai các hoạt động hỗ trợ như: hàng năm tổ chức từ 10 đến 12 lớp dạy nghề, tập huấn về ký thuật trồng cây ăn quả, phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện xây dựng phát hành đĩa hướng dẫn kỷ thuật đến tận chi hội và các chương trình phát thanh truyền hình tuyên truyền về các mô hình điển hình để nhân dân học tập tham khảo; huy động hỗ trợ ngày công làm vườn, mỗi năm cung ứng trên 12.000 cây giống có chất lượng, tiếp nhận trên 15.000 cây giống do sở NN&PTNT hỗ trợ cho bà con nông dân, nâng diện tích trồng cây ăn quả toàn huyện đạt khoảng 200 ha. Từ đó làm chuyển biến nhận thức, thay đổi cách làm. Chỉ với mảnh vườn của mình nhiều nhà đã có thu hoạch chiếm 40-50% tổng số thu hoạch hàng năm của hộ, chưa kể có thể thu hoạch sản phẩm sử dụng cho bữa ăn hàng ngày không cần phải mua ngoài chợ, đảm bảo VS ATTP, tiết kiệm được tiền và thời gian công sức.
Đồng chí Bùi Nhân Sâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình vườn Cam tại xã Đức An
Trong quá trình vận động phát triển kinh tế vườn hộ, cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiện đó là:
1. Xác định rõ vai trò của đội ngũ cán bộ Hội Nông dân và cán bộ chuyên môn trong việc tập hợp, tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ việc phát triển kinh tế vườn là làm cho chính mình để thay đổi tập quán, phương thức sản xuất, từ vườn truyền thống "Trước Cau sau chuối", trồng cây tạp, luỹ tre làng sang làm vườn kinh tế có quy hoạch tăng giá trị kinh tế cho cây trồng vật nuôi.
2. Về công tác tuyên truyền: Đối với nông dân phương pháp tuyên truyền chủ yếu bằng trực quan, hướng dẫn chuyển giao kỷ thuật trên thực địa, nông dân dạy nông dân bằng dạy nghề, tập huấn kỹ thuật, tham quan học hỏi các mô hình vườn mẫu, trồng cây ăn quả. Trong tuyên truyền chú trọng phương châm kiên trì thuyết phục, vận động nhiều lần, chỉ ra các điển hình cụ thể tại địa phương để các hộ tự tìm hiểu làm theo, cùng với đó là việc tham mưu cho cấp uỷ chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, hỗ trợ ngày công chỉnh trang vườn, cán bộ các cấp, cán bộ HND làm trước, làm mẫu, cán bộ có thực hiện, có xây dựng kinh tế vườn mới vận động được nhân dân.
3. Lựa chọn các đơn vị có uy tín để liên kết cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật; địa phương cử cán bộ có uy tín và năng lực chủ trì và tư vấn, hỗ trợ pháp lý, xây dựng hồ sơ, hướng dẫn khoa học kỷ thuật trong xây dựng phát triển kinh tế vườn, xây dựng các mô hình mẫu, đây là nơi đề nông dân học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế vườn đồng thời giúp nông dân tiếp cận các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh, của huyện.
4. Làm tốt chức năng tư vấn và các dịch vụ hỗ trợ nông dân như: phối hợp tập huấn, chuyển giao KHKT; cung ứng giống vật tư trả chậm chất lượng tốt; thực hiện tốt vai trò ủy thác giúp nông dân vay vốn đầu tư sản xuất phát triển kinh tế hộ.
Hỗ trợ nông dân cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả Rất đáng tiếc là hiện nay số hộ biết sử dụng đất quanh nhà để làm vườn thâm canh, cho thu nhập cao chưa nhiều. một phần các hộ mới chỉ tranh thủ trồng một số thứ cây theo ý thích và hiểu biết cá nhân của những người trong gia đình, thu hoạch được cái gì hay cái đó, thậm chí có hộ vườn để không, chưa có sản phẩm phục vụ bữa ăn hàng ngày. Vì vậy, xác định kinh tế vườn là một thế mạnh, là “đòn bẩy” để phát triển kinh tế, thực hiện đề án phát triển kinh tế vườn thành vườn thâm canh, vườn mẫu có quy hoạch, thiết kế, làm đúng kỹ thuật, trồng những cây trồng và vật nuôi thích hợp, có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao, đồng thời tận dụng được đất đai, lao động nhàn rỗi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động là một trong những phương hướng quan trọng phát triển sản xuất hiện nay góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Vì vậy trong những năm tới việc thực hiện đề án phát triển kinh tế vườn hộ, xây dựng vườn mẫu vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế hộ gia đình bễn vững tiếp tục là nội dung trọng tâm trong phong trào "Thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, phong trào xây dựng nông thôn mới, khu dân cư kiểu mẫu" của Hội Nông dân.
Hiện nay ở một số địa phương vẫn còn nhiều vườn đa canh kiểu tự cấp tự túc, quanh năm cho thu hoạch, mùa nào thức đó, vườn trồng các loại cây lấy gỗ quảng canh giá trị thấp vì vậy hội Nông dân huyện tiếp tục xem kinh tế vườn là một trong những nội dung trọng tâm và đề nghị cấp uỷ, chính quyền địa phương cùng tập trung vào chỉ đạo:
- Tiếp tục phát động phong trào chỉnh trang, phát triển kinh tế vườn hộ rộng rãi trong nhân dân, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, vận động, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện gắn với xây dựng vườn mẫu, khu dân cư mẫu trong xây dựng Nông thôn mới, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đầy đủ, sâu rộng về chương trình phát triển kinh tế vườn hộ, các chính sách hỗ trợ của nhà nước trên tất cả các kênh thông tin để người dân biết thực hiện;
- Chỉ đạo tổ chức xây dựng các vườn mẫu theo vùng sinh thái phù hợp với các giống cây chủ lực trong đề án của huyện, tổ chức tham quan học tập các mô hình đã có tại địa phương để nhân rộng trong nhân dân;
- Tổ chức các hội nghị về tận các thôn, xóm để thảo luận bàn bạc, xin ý kiến nhân dân về thực hiện chỉnh trang phát triển kinh tế vườn hộ; giao cho cán bộ chuyên môn, cán bộ Hội Nông dân và các tổ chức đoàn thể xây dựng kế hoạch chi tiết hướng dẫn quy hoạch đến từng hộ để vận động, tuyên truyền, hướng dẫn đoàn viên, hội viên thực hiện theo phương châm cầm tay chỉ việc;
- Lựa chọn xây dựng 01 thôn mẫu/xã để tập trung chỉnh trang, phát triển kinh tế vườn hộ để làm điểm nhân rộng phong trào trong toàn địa phương;
- Vận động thành lập các câu lạc bộ hoặc Hợp tác xã tổ hợp tác làm vườn nhằm hỗ trợ người dân về quy trình, kinh nghiệm làm vườn, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, tiển tới xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm vườn ngày một cao, yêu cầu chất lượng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng chặt chẽ nghiêm ngặt, nếu nông dân ta tích cực thay đổi tư duy làm kinh tế vườn, chắc chắn kinh tế vườn sẽ giúp ta thay đổi cuộc sống: giàu có và hanh phúc hơn.