Mở đầu buổi nói chuyện, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII giai đoạn 2016 – 2018.
Theo đó, năm 2016 và 2017 là 2 năm đặc biệt khó khăn đối với Hà Tĩnh. Sự cố môi trường biển gây nhiều hệ lụy, an ninh trật tự diễn biến phức tạp, liên tiếp các đợt thiên tai bão lụt... đã tác động tiêu cực đối với quá trình phát triển và thực hiện mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch 5 năm. Năm 2016 kinh tế tăng trưởng âm (-15,31%), tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm mạnh (-51%). Lợi dụng sự cố môi trường, các thế lực thù địch, các phần tử chống đối đẩy mạnh các hoạt động chống phá, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Trung ương, Hà Tĩnh đã nỗ lực khắc phục, vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, ổn định tình hình. Năm 2018, kinh tế tăng trưởng cao, dự kiến đạt 19,6-20%. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn rất thấp so với mục tiêu, nhiệm vụ đại hội; dự báo nhiều chỉ tiêu nhiệm kỳ khó đạt được.
Bí thư Tỉnh ủy phân tích, việc xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 dựa trên nền kết quả cao giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 tầm nhìn 2050 nên tỉnh đặt ra chỉ tiêu quá cao; sự cố môi trường biển có tác động lớn đến tình hình địa phương. Bên cạnh đó, khi xây dựng nhiệm vụ, tỉnh chưa lường hết được những tiềm ẩn, sự khó khăn bên trong của nền kinh tế; công tác dự báo thiếu chính xác; một số nơi thiếu vai trò lãnh đạo, chỉ đạo…
Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua chưa vững chắc, đổi mới tổ chức sản xuất còn chậm so với yêu cầu, liên kết sản xuất thiếu bền vững, kết nối thị trường còn hạn chế; sản phẩm mang tính nhỏ, lẻ, diện tích bỏ hoang còn nhiều... Do đó, đặt ra vấn đề với Hà Tĩnh trong giai đoạn hiện nay là phải làm nông nghiệp như thế nào?
Bí thư Tỉnh ủy cũng mong muốn học viên trao đổi, thảo luận góp ý về mục tiêu đại hội, đặc biệt về những chỉ tiêu trong lĩnh vực tam nông; vai trò tổ chức hội nông dân trong xây dựng Đảng…
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, thời gian tới, Hội Nông dân phải thể hiện được vị thế của mình; xây dựng hội vững mạnh, có nội dung, cách làm, có mô hình cụ thể để nhân rộng; tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; tham gia tư vấn, phản biện chính sách, tham gia phòng chống tham nhũng...
Ngoài ra, để nông nghiệp phát triển, thị trường tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng. Nhưng để có thị trường, trước hết nông dân Hà Tĩnh phải có những sản phẩm có chất lượng, có thương hiệu; sản phẩm nông nghiệp phải được quản lý từ giống đến quy trình chăm sóc, có truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, nông dân phải liên kết trong sản xuất, phát huy hiệu quả của kinh tế tập thể. Đặc biệt, hội nông dân các cấp phải tập trung cao hỗ trợ, là đầu mối gắn kết nông dân với doanh nghiệp.
Chương trình tập huấn nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng hội và các chương trình phối hợp năm 2018 được tổ chức trong 2 ngày (29 và 30/10) với sự tham gia của hơn 300 học viên là cán bộ hội nông dân cấp cơ sở đến cấp tỉnh.
Tham gia lớp học, học viên sẽ được nghe các đại biểu trao đổi nhiều chuyên đề quan trọng như: Nghiệp vụ công tác Tổ chức - Xây dựng Hội; hướng dẫn nghiệp vụ công tác tuyên truyền; triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội IX, Hội Nông dân tỉnh; triển khai các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội sắp tới.
Theo baohatinh.vn